“Thiên thần” trên tuyến đầu chống dịch

27/02/2021 09:08

Kinhte&Xahoi Thiên thần - Khó có thể tìm mỹ từ nào khác dùng để nói về các y, bác sỹ - những "chiến sỹ" vinh quang trên cuộc chiến chống "giặc" Covid-19. Họ đã góp phần khiến thế giới thêm lần nữa thán phục trước thành tích kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.

BS.CKI Trần Thị Oanh lấy mẫu cho bệnh nhân tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia – Thủ Đức. Ảnh Sức khỏe và đời sống.

Sẵn sàng lên đường vì nhiệm vụ

BS.CKI Trần Thị Oanh đang công tác tại Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh một trong những gương điển hình trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Chị sinh ra và lớn lên tại xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Trần Thị Oanh đã mơ ước được trở thành bác sĩ.

Năm học lớp 7 chị cùng gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và đến năm 2009 thi đỗ vào Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Ra trường, chị Oanh được nhận vào công tác tại Khoa Sản bệnh của Bệnh viện Hùng Vương từ tháng 2/2017. 

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, sáng ngày 26/3/2020, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế thành phố về tăng cường nhân sự cho công tác phòng chống dịch tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia (Thủ Đức), nữ bác sĩ cùng 10 “chiến sĩ áo trắng” của Bệnh viện Hùng Vương lên đường làm nhiệm vụ.

Trong gần một tháng thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, bác sĩ Oanh cùng các đồng nghiệp làm công tác tiếp nhận người dân về cách ly, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe, điều trị bệnh thông thường và sắp xếp chỗ ở cho mọi người.

“Do điều kiện phòng ốc không đủ nên cả đoàn phải dọn dẹp khu vực nhà kho của ký túc xá làm phòng nghỉ… tối đến muỗi đốt dài hết cả cánh tay, nằm ngủ trên ghế bố có thanh sắt chính giữa nên sáng dậy đau lưng lắm... Là con gái nên thời gian đầu nhận nhiệm vụ, gia đình rất lo lắng cho tôi, nhưng sau đó hiểu được tính chất công việc và nhiệm vụ cao cả là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân nên gia đình lại động viên tôi cố gắng cùng đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, bác sĩ Oanh chia sẻ.

Trong suốt một năm qua, bệnh viện thành lập đội phản ứng nhanh, các bác sĩ được điều động bất kì thời điểm nào khi có bệnh nhân nghi nhiễm, bác sĩ Oanh luôn là người năng nổ, tiên phong, xuất hiện kịp thời cùng với đồng nghiệp để kịp thăm khám, đỡ đẻ cho những sản phụ nghi nhiễm trong khu cách ly.

Chưa kịp nghỉ ngơi, nhận được sự phân công của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), sau khi nhận tin báo chưa đầy một giờ, bác sĩ Oanh cùng các đồng nghiệp nhanh chóng lên đường tham gia lấy mẫu tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất khi nơi đây trở thành điểm dịch. 

Còn với BSCKII Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - người đã vào tâm dịch Đà Nẵng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hồi giữa năm 2020 thì những tháng ngày “chinh chiến” ở tâm dịch sẽ không thể phai mờ trong tâm trí anh: “Thật sự có những lúc chúng tôi cũng nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ những câu hỏi của con rằng: “Con nhớ ba quá, khi nào ba về?”…

Nhiều khi chúng tôi cũng cảm thấy xót xa, nhưng mỗi buổi sáng bước chân vào bệnh viện, cứ nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân chưa được điều trị khỏi thì bạn lại cứ tiếp tục lao vào... Khi chúng tôi còn sức khỏe, tất cả các anh em đều nghĩ rằng cần phải tiếp tục làm cho tới khi nào mà mỗi người dân có thể trở về cuộc sống bình thường”.

Cuốn vào guồng quay công việc giữa tâm dịch

Trở lại Quảng Ninh - nơi từng vùng dịch phức tạp thì những cán bộ y tế dự phòng như bác sĩ Bùi Thanh Nam, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh) thực sự là những “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận chống dịch Covid-19. 

Đến với Y tế dự phòng như một cái duyên và “may mắn”, trải qua hai đợt dịch tại Quảng Ninh, người bác sĩ ấy không chỉ thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người bác sĩ dịch tễ mà còn hiểu được rằng: Thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho cả một dân tộc. Không trực tiếp điều trị nhưng lại có thể bảo vệ sức khỏe của rất nhiều người.

Hai năm liền, bác sĩ Nam cùng các đồng nghiệp tại Khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chưa biết đến Tết là gì. Họ làm việc xuyên đêm để điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2… khi có ca bệnh xuất hiện.  7 ngày Tết Tân Sửu là cả 7 ngày truy vết căng thẳng và áp lực. 

Bác sĩ Nam chia sẻ: Trong dịch Covid-19, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp trong Khoa đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 3 lần so với những ngày thường. Đặc biệt, dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán - là dịp để sum họp cùng với những người thân trong gia đình nhưng các cán bộ của Khoa hầu như không có Tết. Họ đều phải ngày đêm cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực nên không có thời gian cho gia đình.

Đặc biệt, từ chiều ngày 27/1/2021, sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Vimec Hạ Long có liên quan đến ổ dịch Vân Đồn, bác sĩ Nam ngay lập tức được cử xuống Bệnh viện Vimec Hạ Long để phối hợp hướng dẫn các lực lượng chức năng tiến hành phong toả khử trùng toàn bộ Bệnh viện. Đồng thời, bác sĩ Nam đã trực tiếp cùng các đồng nghiệp điều tra truy vết tất cả các trường hợp liên quan đến ca bệnh F0. Do vậy, đến thời điểm này ổ dịch Vân Đồn đã được dập tắt.

Phức tạp hơn ổ dịch Vân Đồn là ổ dịch tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) liên quan đến ổ dịch Chí Linh (Hải Dương). Lúc này, bác sĩ Nam cùng đồng chí Trưởng khoa và các anh chị em trong khoa đã tham mưu cho Ban Giám đốc đơn vị và Sở Y tế xây dựng kế hoạch tổng thể cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh theo từng tình huống và các cấp độ tiến triển của dịch. 

Với kinh nghiệm và sự năng động nhiệt tình, bác sĩ Nam đã được đề xuất tham gia cùng Tổ công tác phòng chống dịch của tỉnh. Những ngày đầu xảy ra dịch, công tác điều tra, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm còn rất lúng túng đối với các cán bộ y tế cơ sở.

Tuy nhiên, từ khi bác sĩ Nam xuống trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn công tác truy vết, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; hướng dẫn, giám sát công tác chuẩn bị từ nhân lực, vật lực, trang thiết bị, hóa chất, triển khai diễn tập và tập huấn chuyên môn đối với các tổ truy vết cộng đồng trên địa bàn thị xã Đông Triều,…

Gần 1 tháng nay, không quản ngày, đêm, mưa gió, bác sĩ Nam luôn thường trực, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ Đông Triều, để khoanh vùng tối đa, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, đến thời điểm này, ổ dịch thị xã Đông Triều đã được khống chế và kiểm soát tốt.

Với những đóng góp của mình cho công tác phòng chống dịch, ngày 17/7/2020 bác sĩ Bùi Thanh Nam đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Y tế do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của người bác sĩ trẻ trên con đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

 CTV- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vững tin vào tuyến đầu chống dịch

Năm nay, ngày truyền thống cao quý - Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) của ngành Y tế thật đặc biệt. Không họp mặt, không lễ kỷ niệm, thay vào đó, những y, bác sĩ tiếp tục căng mình, dồn sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Gửi niềm tin ở những “chiến sĩ áo trắng” đang trong tuyến đầu chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng ta có sức chiến đấu, có ý chí mạnh mẽ, kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành, nên dù lần này phải đối đầu với một trận chiến khó khăn, nhưng sẽ thành công”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thien-than-tren-tuyen-dau-chong-dich-d149634.html