Thiếu quyết liệt, công tâm dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm

14/03/2022 18:38

Kinhte&Xahoi Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; Thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến nhiều vụ việc không được giải quyết dứt điểm.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo

Chiều 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và dự kiến đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tính đến ngày 11/3/2022, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát, 55/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố và 1 báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn giám sát cũng đã nhận được báo cáo bổ sung của 42 UBND tỉnh, thành phố và 27 báo cáo chính thức của Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân của các địa phương.

Qua nghiên cứu báo cáo, tài liệu các cơ quan gửi đến, Đoàn giám sát nhận thấy có một số tồn tại hạn chế. Thứ nhất là việc ban hành văn bản hướng dẫn của các các cơ quan còn chậm, chưa kịp thời.

Thứ hai, vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa đảm bảo tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể như quy định về người đứng đầu cơ quan bộ ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.

Việc quy định thời hiệu khiếu nại và thời hiệu khởi kiện trong Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính chưa đảm bảo thống nhất gây khó khăn cho việc thi hành quyết định có hiệu lực pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước.

Theo báo cáo, so với giai đoạn 2011- 2016, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; Số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước giảm 16,1%.

Cũng theo báo cáo, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương. Nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng; Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém; Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng.

"Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; Thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài", ông Bình cho biết.

Một hạn chế nữa là việc quy định quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai chưa thực sự có hiệu quả để xác định điểm dừng của việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Công tác quản lý, lập hồ sơ địa chính không đồng bộ, bản đồ, tư liệu về địa chính còn thiếu gây khó xác định nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất nên khi phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết.

Riêng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo của đoàn giám sát cho rằng, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, qua bước đầu giám sát nổi lên một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, báo cáo chỉ rõ, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các Sở, ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Ngoài ra, công tác phối hợp trong việc chuyển hồ sơ vụ án giữa Tòa án và Viện Kiểm sát còn nhiều bất cập, không đảm bảo đúng quy định về thời hạn nghiên cứu hồ sơ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn, thời hiệu và chất lượng giải quyết đơn của công dân.

Việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của cơ quan kiểm sát chủ yếu thực hiện đối với án hình sự và thi hành án còn đối với hoạt động kiểm sát đối với án hành chính, án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp gặp nhiều khó khăn do còn thiếu quy định cụ thể.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

94 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng

Trung ương Đoàn vừa công bố 94 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022. Đây là những tấm gương tiêu biểu cho sự nỗ lực, vươn lên trong công tác, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở cơ sở.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thieu-quyet-liet-cong-tam-dan-den-vu-viec-khong-duoc-giai-quyet-dut-diem-191792.html