Qua nhiều khâu trung gian, giá thịt lợn bầy bán ở chợ dân sinh đang rất cao. Ảnh: Kh.V
2 tuần sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc “giảm ngay giá thịt lợn”, 1 tuần sau cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường và 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, cam kết đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg... đến hôm nay, giá thịt lợn vẫn rất cao.
Dù chưa cao đến mức gọi là sốt, là khủng hoảng, nhưng sự chênh lệch giữa giá cam kết, giá mục tiêu và giá thực tế, lại đang cho thấy câu chuyện hiệu quả quản lý nhà nước khi tồn tại một thứ “giá trên giấy” và “giá thực tế”. Hay nói như người dân, giữa “giá tivi”, tức là giá mà cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cam kết và giá ngoài chợ.
Giá thịt lợn liên tục chao đảo, với rất nhiều lần sốt giá, nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT là “phải chịu thử thách mọi cung bậc”. Khủng hoảng thịt lợn cũng liên tục xảy ra trong các năm qua. Liên tục khủng hoảng thừa và cùng với nó là các chiến dịch giải cứu thịt lợn. Và khủng hoảng thiếu, mỗi khi có dịch bệnh, mỗi lần có những bất ổn kinh tế.
Nguyên nhân dịch bệnh đã được nhìn thấy, nhưng còn có một nguyên nhân khác là tỉ trọng quá lớn của thịt lợn, lên tới 70%, trong cơ cấu thực phẩm bữa cơm gia đình.
Không dưới một lần, ngành Chăn nuôi, Bộ NNPTNT kêu gọi thay đổi thói quen ăn uống, hướng tới sự đa dạng trong thực phẩm.
Không ít lần, cơ cấu 70% được đưa ra như một nguyên do, cũng là một đề xuất giải pháp cho những cơn sốt giá.
Điều đó không có gì sai. Nhưng thật ra, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của dân mới là nhiệm vụ chính.
Hôm qua, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho rằng, nên đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá nếu Chính phủ muốn thực sự kiểm soát và không cho tăng giá quá mức mặt hàng này.
Những tính toán cho thấy, giá sản xuất hiện khoảng dưới 50.000 đồng/kg. Khi đưa ra mức giá mục tiêu 70.000 đồng/kg, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã tính toán để đảm bảo mỗi tạ lợn, người dân đã có lãi 2 triệu đồng.
Việc đưa vào diện bình ổn một mặt hàng chiếm tỉ trọng 70% trong cơ cấu bữa ăn, rõ ràng, vừa đảm bảo người nông dân có lãi, vừa tránh tình trạng đầu cơ, làm giá, vừa đảm bảo cuộc sống của cả trăm triệu dân không quá khốn khó, bão táp vì sốc giá đáng lẽ hoàn toàn có thể tránh được, đáng lẽ không đến mức phải nhập thịt lạnh để tránh khủng hoảng.