Thống nhất và hành động nghị quyết

05/06/2021 09:00

Kinhte&Xahoi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động (CTHĐ) của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. CTHĐ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.

CTHĐ của Chính phủ thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu quan trọng không chỉ của 5 năm 2021 – 2025 mà thể hiện tầm nhìn và khát vọng đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

CTHĐ của Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu, trên từng lĩnh vực để thực hiện các mục tiêu này. Để thực hiện được 10 nhiệm vụ, không thể không gắn với việc hoàn thiện thể chế chính trị cũng như thể chế kinh tế thị trường. Điều này thể hiện rõ ở nhiệm vụ thứ nhất “Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội” và nhiệm vụ thứ 10 “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”.

35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tiệm cận, xây dựng hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và nhiều đột phá trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm.

Mới đây, tại buổi làm với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề cần quan tâm giải quyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật; trước mắt, tham mưu cho Chính phủ và đôn đốc các bộ, cơ quan áp dụng quy trình rút gọn để sửa nhanh một số điều, khoản đang gây ách tắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật.

Tại CTHĐ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương phải nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt chú trọng 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước.

Đây là lúc cả hệ thống chính trị phải thống nhất nhận thức và hành động, đưa sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thong-nhat-va-hanh-dong-nghi-quyet-d157438.html