“Thủ phạm” trong mùa hè gây tăng hóa đơn tiền điện

24/04/2019 16:04

Kinhte&Xahoi Một gia đình sử dụng bình thường khoảng gần 600.000 đồng tiền điện, hóa đơn vào mùa nóng có thể tăng lên tới hơn 1,2 triệu đồng. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng cao dẫn đến sản lượng điện tăng đột biến vào mùa hè

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ Nhiệt - Lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2018, vào mùa hè, người dùng tại Việt Nam tiêu thụ điện nhiều hơn trung bình khoảng 50%. Phần lớn do các thiết bị không thể thiếu như điều hòa, quạt trong khi tủ lạnh và những thiết bị làm mát khác cũng phải tiêu tốn nhiều điện năng hơn do nhiệt độ môi trường tăng cao. 

Ngoài ra, trong năm 2019, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định bán điện từ ngày 20/3 vừa qua, đúng thời điểm chuẩn bị đợt nắng nóng trong hè. Điều này cũng làm cho hóa đơn tiền điện của nhiều nhà sẽ tăng đột biến hơn so với các tháng đầu năm. Trước đó, theo tính toán của Bộ Công Thương, tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình là 7.000-77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 số điện (kWh) theo cách tính giá mới.

Nhiệt độ càng tăng “tỷ lệ thuận” với sản lượng điện


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong mùa hè năm 2019 (từ tháng 4 – 8/2019) nhiệt độ tăng hơn mức trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1 độ C. Nắng nóng tập trung vào các tháng 5 và tháng 6, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 ngày nắng nóng và dự báo sẽ xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt, khi những năm gần đây nắng nóng gay gắt xuất hiện ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê từ website của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI), sản lượng bình quân tháng 4 (tính đến ngày 23/04/2019) là 54,367,826 kWh, tăng 14% so với bình quân luỹ kế tháng 3 là 47,726,587 kWh.

Nghiên cứu cho thấy tại Việt Nam, điều hòa chiếm dao động từ 28 đến 64% (tính trung bình là 40%) so với tổng điện năng tiêu thụ trong một hộ gia đình. Vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%. Theo công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến trên website của EVN HANOI (www.evnhanoi.com.vn/giadien), một gia đình bình thường dùng khoảng 300 số điện, tương đương khoảng 690.000 đồng theo cách tính giá mới thì đến mùa nóng, lượng điện tiêu thụ có thể lên đến 500 số điện, tương đương khoảng 1,32 triệu đồng, tức là gần gấp đôi so với mức thông thường. 

Công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến trên website EVN HANOI 

Khi nhiệt độ ngoài trời tăng chỉ một độ C, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 1,5 đến 3% tùy vào loại máy và cách sử dụng. Tương tự, nếu nhiệt độ cài đặt làm lạnh cho điều hòa hạ thấp xuống 25 độ C từ mức 26 độ C, điện năng tiêu thụ cũng lớn hơn 1,5 đến 2,5%. 

Sử dụng điều hòa đúng cách để tiết kiệm hóa đơn điện mùa hè

Để tiết kiệm điện, người dùng cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Nhiệt độ điều hòa cũng nên chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời từ 10 đến 12 độ C là hợp lý về tiêu thụ điện. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng của Bộ Công thương.

Nhãn năng lượng do Bộ Công thương ban hành  

Với phòng sử dụng điều hòa, các chuyên gia cũng khuyên nên để một chậu nước nhỏ vừa làm lan tỏa khí mát vừa giúp đỡ khô da hơn. Người dùng cũng cần cẩn trọng với các máy phun sương tạo ẩm khi sử dụng trong phòng điều hòa bởi nếu không được kiểm soát, độ ẩm có thể quá lớn, gây hại sức khỏe. 

Điều hòa bị bẩn hoặc sử dụng quá lâu cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe. Thực tế, việc vệ sinh giàn lạnh khá đơn giản, có thể tự thực hiện và nên làm sau khoảng 3 đến 5 tháng.

Để nhiệt độ trong khoảng từ 26-28 độ để tiết kiệm điện mùa nắng nóng  

Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%. Việc bảo trì vệ sinh đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ điều hòa. Thông thường, điều hòa có hạn dùng từ 7 đến 15 năm theo nhà sản xuất. Nếu vào mùa nóng, dùng điều hòa từ 5 đến 10 tiếng mỗi ngày, vệ sinh đúng cách, hạn dùng có thể lên đến 15 năm. 

Điều hòa sử dụng máy nén biến tần (Inverter) tiết kiệm điện hơn đáng kể so với điều hòa thông thường. Với nhu cầu sử dụng gia đình, văn phòng nhỏ (điều hòa thường sử dụng khoảng 30 đến 70% tải), điều hòa biến tần tiết kiệm điện hơn hẳn điều hòa thường, tối đa tới 28% điện năng. Chỉ với các trường hợp sử dụng thời gian quá ngắn hoặc điều hòa phải chạy liên tục 100% công suất, điều hòa biến tần mới không phát huy được tác dụng, thậm chí tốn điện hơn do phải "nuôi" bộ biến tần. 

Điều hòa khi không sử dụng cũng vẫn gây tốn điện. Các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, TV, khi tắt máy thì bảng điều khiển, một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng. Với điều hòa, nếu không ngắt hẳn nguồn điện cấp, lượng điện tiêu thụ vào khoảng 8 đến 20 Watt mỗi giờ, tương đương một bóng đèn LED nhỏ. Con số này không hề nhỏ nếu sử dụng nhiều điều hòa hay các thiết bị điện khác. 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gần 2.000 tỷ nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM

Bộ GTVT vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM với tổng mức đầu tư 1.950 tỷ đồng và giao Ban Quản lý dự án Đường sắt triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi