Thu phí cách ly: Tránh tùy tiện, phản cảm...

07/04/2020 11:04

Kinhte&Xahoi Các địa phương muốn thu tiền của người cách ly phải công bố các căn cứ cụ thể và phải được pháp luật cho phép.

Đà Nẵng, Hải Phòng đã chính thức thu phí người cách ly. Đến 5/4, đã có 10 người từ Hà Nội đến Hải Phòng thuộc diện cách ly phải tự trả phí. Theo đó, người cách ly ở Hải Phòng tự trả phí gồm: ăn uống, sinh hoạt, nơi nghỉ là 75.000 đồng/ngày/người.

Ở Đà Nẵng là 120.000 đồng/ngày/người. Lãnh đạo các địa phương đều cho rằng thu phí theo quy định hiện hành, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng trên có thể dẫn tới nguy cơ lạm dụng, tùy tiện.

Người từ Hà Nội về Đà Nẵng phải trả 120.000 đồng tiền phí cách ly. Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên và môi trường

Ông Nguyễn Anh Sơn - nguyên ĐBQH đoàn Nam Định khóa XIII cho rằng, các địa phương viện dẫn quy định hiện hành để tự đặt ra mức phí, thu phí với người cách ly là không có cơ sở. 

Trên thực tế, qui định hiện hành là thông tư 32 chỉ thu tiền bữa ăn người cách ly không thu tiền sinh hoạt và nơi ở.

Nếu người những người từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Nẵng, Hải Phòng được xác định là vi phạm Luật phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị số 16 của Chính phủ thì chế tài xử lý là Bộ Luật hình sự và Nghị Định 76 của Chính phủ, theo đó những người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù, không có quy định thu tiền cách ly.

Đồng tình với quan điểm không miễn phí hoàn toàn cho người cách ly nhưng nguyên ĐBQH đoàn Nam Định cho rằng, muốn thu thế nào cũng phải có sự chỉ đạo thống nhất, tránh nảy sinh tâm lý tùy tiện, phản cảm.

Đưa ra lập luận như vậy, ông Sơn giải thích, bao cấp chi phí cách ly là thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ, chấp nhận thiệt hại kinh tế, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân trong đại dịch.

Điều này khẳng định, người giàu hay nghèo thì đại dịch cũng như nhau, không nên phân biệt. Sự bao cấp của Nhà nước là nhằm khuyến khích người dân ý thức, tự giác cách ly, bảo đảm an toàn chung cho cộng đồng.

Tuy nhiên, việc bao cấp như vậy cũng đang tạo ra áp lực rất lớn cho ngân sách quốc gia. Sự chia sẻ từ phía người cách ly và việc đóng góp một phần chi phí chính là cách giảm giảm tải áp lực cũng như gánh nặng cho ngân sách quốc gia là rất cần thiết. 

Nhưng đóng góp như thế nào? Mức đóng góp bao nhiêu cần phải được thảo luận, thống nhất từ các cấp quản lý trung ương. Mức đóng góp cũng phải căn cứ trên thu nhập, sức chịu của người cách ly, không chỉ dựa trên bình quân chi phí rồi chia đầu người, buộc người cách ly phải chịu.

"Nên nhớ, khi chúng ta miễn phí việc đưa người đi cách ly cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vẫn có trường hợp khai gian, dối, trốn cách ly, nếu bắt đóng phí mà khoản phí đó quá cao thì sẽ khó khuyến khích được người dân tự nguyện đi cách ly", ông Sơn nói.

Cũng không đồng tình với quan điểm thu phí cách ly để hạn chế người từ vùng dịch về địa phương, ông Sơn cho rằng như vậy là "ngăn sông cấm chợ", rất không đúng. 

Do đó, nguyên ĐBQH đoàn Nam Định cho rằng, Bộ Tài chính phải làm việc với các địa phương để đưa ra một mức phí cụ thể, áp dụng chung trên cả nước, khoản chênh lệch giữa các địa phương có thể ngân sách sẽ hỗ trợ thêm. Yêu cầu là phải đạt được mục đích cao nhất trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời vẫn giúp chia sẻ được chi phí cách ly.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Trường - nguyên ĐBQH Khóa XIII cũng cho rằng việc tính toán thu phí cách ly của người cách ly là cần thiết, tuy nhiên, việc thu chi phải dựa trên những căn cứ cụ thể, không thể tùy tiện.

Theo đó, ông Trường đề nghị xem lại khái niệm phí cách ly mà Đà Nẵng và Hải Phòng đang thực hiện. Ông cho rằng, nếu loại phí trên không được quy định trong pháp lệnh phí và lệ phí, cũng như không tuân theo các trình tự thu phí và quản lý phí đã được quy định sẽ không được gọi là phí.

"Không phải bất cứ cái gì chi ra cũng gọi là phí. Phí và lệ phí phải được thực hiện theo pháp lệnh và được áp dụng thống nhất trên cả nước. Ví dụ như phí cầu đường, không có phí cách ly.

Vì vậy, các địa phương muốn thu tiền của người cách ly phải công bố các căn cứ pháp luật cụ thể, trên cơ sở pháp luật cho phép, các địa phương mới được thu", ông Trường nói.

Ông Trường cũng nói thêm, vin vào chỉ thị số 16 của Thủ tướng để áp dụng là các địa phương hiểu chưa đúng.

Chỉ thị số 16 mới là những cảnh báo ở mức cao với những trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng chống, dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định. Chỉ thị chưa phải là ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh theo pháp lệnh, nên việc "ngăn sông cấm chợ", hạn chế người qua lại các địa phương là lạm quyền, chưa đúng.

"Tôi cho rằng văn bản chỉ đạo kịp thời, cụ thể, rõ ràng nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện thống nhất trên cả nước, nhất là liên quan tới quyền con người, quyền công dân.

Không nên để tình trạng mỗi nơi hiểu một cách, mỗi địa phương một kiểu", ông Trường nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng để người xây, kẻ phá

Thông tin nhóm người tự ý tổ chức ăn nhậu trong khu cách ly tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vừa được phát hiện khiến cho dư luận rất bức xúc. Đặc biệt là trong bối cảnh, cả nước đang chung lưng đấu cật nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19.

Theo Đất Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-phi-cach-ly-tranh-tuy-tien-phan-cam-d121265.html