Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Năm Dữ liệu số” 2023, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, tạo lập giá trị mới

25/12/2022 16:06

Kinhte&Xahoi Ngày 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao; Các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, thông tin...

Các đại biểu lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố.

Tại hội nghị, các báo cáo, tham luận, phát biểu thẳng thắn, tâm huyết đã nêu rõ những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 năm 2022; Đồng thời, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân qua đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.

Hà Nội cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu

 Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 06 thành phố cho biết, năm qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố (thử nghiệm) đã kết nối và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính; Cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 96%), đảm bảo hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong năm 2022.

Đồng thời, TP thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và khai thác các tiện ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm 6.018.769 thẻ căn cước công dân; 4.026.354 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 64,7%; Kích hoạt 15.121 định danh mức 1 và 528.785 định danh mức 2.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 06 thành phố phát biểu tham luận tại điểm cầu UBND TP Hà Nội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cũng nêu thực trạng việc tham gia của người dân với các tiện ích do cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp, đặc biệt tham gia giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử còn hạn chế, chưa tương xứng. Trên cơ sở xác định được nguyên nhân và kinh nghiệm triển khai từ năm 2016, thành phố tiếp tục thực hiện phương châm mục tiêu xác định “Người dân biết - Người dân sử dụng - Người dân tuyên truyền”.

Đây là phương thức “lan tỏa” hữu hiệu nhất để tăng hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt đối với hai nhóm dịch vụ công liên thông như hiện nay. “Khi người dân đã trực tiếp trải nghiệm và nhận được các giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại thì chính họ sẽ là “tuyên truyền viên” hữu hiệu nhất đến bạn bè, người thân”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo, ý kiến, đồng thời biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân; Sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần cố gắng hơn nữa. Trong đó, nhiều lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm, chưa ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Thể chế, cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số còn chưa đầy đủ. Hạ tầng số, các nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; Các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu. Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, còn tình trạng "cát cứ thông tin".

Chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn. Một số địa phương thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn và chưa nhất quán trong chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi số vụ tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia có xu hướng ngày càng tăng. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; Còn hiện tượng "chảy máu chất xám" ra nước ngoài; Thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai chuyển đổi số…

Thủ tướng nêu rõ năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nêu rõ năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; Chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; Đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; Đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chuyển đổi số phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân; Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn… hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

"Năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương; Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàng Bảo - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và Hội nghị Paris

Bằng cuộc đấu tranh đầy bản lĩnh và trí tuệ, kết hợp chặt chẽ ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao, tháng 10-1972, văn bản Hiệp định Paris hình thành và được sự nhất trí giữa những đại diện tham gia đàm phán. Tuy nhiên, chính quyền Washington lúc đó đã lật lọng, không ký hiệp định theo dự kiến mà mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 nhằm hủy diệt Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, với tham vọng làm suy yếu miền Bắc, gây thêm những tội ác với nhân dân Việt Nam.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nam-du-lieu-so-2023-xay-dung-trung-tam-du-lieu-quoc-gia-tao-lap-gia-tri-moi-214240.html