Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sự trăn trở về hạ tầng đường sắt lạc hậu phải được biến thành hành động

09/01/2024 19:01

Kinhte&Xahoi “Đường sắt phải có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược. Tư duy mang lại nguồn lực; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; tầm nhìn chiến lược vừa giải quyết khâu trước mắt, vừa bảo đảm lâu dài, nhanh và bền vững. Cùng với đó, phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, năng lượng mới với mục tiêu phải hình thành được hệ thống đường sắt tốc độ cao”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức chiều nay (9-1), tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2024 của ngành Đường sắt. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đường sắt vượt khó

Năm 2023, VNR đã triển khai nhiều giải pháp nâng sản lượng, doanh thu vận tải, tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, chủ động xây dựng giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ... Nhờ đó, tổng doanh thu hợp nhất của Tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng (bằng 101,7% kế hoạch năm); lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng (đạt 115% kế hoạch).

Tuy nhiên, theo đánh giá của VNR, sự phục hồi của vận tải đường sắt vẫn còn chậm. Vận tải hành khách tiếp tục bị cạnh tranh với vận tải hàng không và đường bộ về giá vé, thời gian vận chuyển và sự tiện lợi; năng lực vận chuyển còn hạn chế; tốc độ khai thác chưa cao…

Trong năm 2024, VNR đặt mục tiêu công ty mẹ đạt doanh thu 6.258 tỷ đồng, bằng 100,18% so với cùng kỳ; trong đó, tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, VNR cam kết sẽ làm tốt vai trò nòng cốt trong sứ mệnh phát triển ngành Đường sắt; tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phương tiện, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức điều hành, quản trị, đáp ứng nhu cầu vận hành, sử dụng và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt quốc gia.

Phải biến những trăn trở thành hành động cụ thể

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế, bất cập của ngành Đường sắt. Hạ tầng đường sắt hơn 3.000km đã lạc hậu nhưng chưa được nâng cấp. Sự trăn trở này phải được biến thành hành động, biến thành dự án, đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Tạ Hải.

“Ngành Đường sắt phải đặt trong sự vận động phát triển, “đi sau nhưng về trước”. Muốn vậy, phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược. Tư duy mang lại nguồn lực; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; tầm nhìn chiến lược vừa giải quyết khâu trước mắt, vừa bảo đảm lâu dài, nhanh và bền vững. VNR phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, năng lượng mới với mục tiêu phải hình thành được hệ thống đường sắt tốc độ cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận số 49-KL/TƯ ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu: “Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn”.

Vì vây, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần cơ cấu lại Tổng công ty theo hướng phát triển nhanh và bền vững; chú trọng phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành; hạn chế ô nhiễm ngay từ trong nhà ga, trên tàu…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, giảm tối đa thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cấp; hạn chế cơ chế “xin-cho”’; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế nhưng phải nâng cao chất lượng.

* Cũng trong chiều 9-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra công tác phục vụ hành khách tại Ga Hà Nội. Tại đây, Thủ tướng ghi nhận nhiều dịch vụ, tiện ích phục vụ hành khách đi tàu đã có những cải thiện tích cực.

Thủ tướng thăm hỏi hành khách đi tàu.

Thủ tướng kiểm tra cơ sở vật chất tại Ga Hà Nội.

Tuấn Lương - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-su-tran-tro-ve-ha-tang-duong-sat-lac-hau-phai-duoc-bien-thanh-hanh-dong-655399.html