Thủ tướng yêu cầu khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính

19/10/2022 12:34

Kinhte&Xahoi Sáng 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan kết quả đạt được, dành thời gian phân tích về những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và trong nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Nỗ lực toàn diện

 Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là cấu phần quan trọng trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.

Trong 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 mặt công tác của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ hai nhằm đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022; đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2022.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan kết quả đạt được, nhất là những kết quả nổi bật để tiếp tục phát huy; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm, biện pháp khắc phục trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Các đại biểu dành thời gian phân tích về những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và trong nước, trong đó có sức ép lạm phát lớn, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường như tình hình mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung… Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, cả dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình; từ đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các tháng cuối năm 2022, tinh thần là "năm sau tốt hơn năm trước, quý sau tốt hơn quý trước", với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những chuyển biến tích cực, toàn diện

 Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 9 tháng qua, công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức phiên họp thứ nhất vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tạo ra được bước đột phá trong cải cách hành chính năm 2022, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 và Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo thực hiện 44 nhiệm vụ của năm. Đến nay, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ; 2 nhiệm vụ đang trình và 36 nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện.

Từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022, Chính phủ đã tổ chức tới 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 06 dự án luật; 4 nghị quyết. Tính đến ngày 30/9, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành 34 văn bản, gồm 24 nghị định, 05 quyết định, 5 thông tư, còn nợ ban hành 16 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 100 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 11 dự án luật, 6 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 59 dự thảo nghị định, 24 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Về công bố, công khai TTHC, tính từ ngày 1/7 đến ngày 22/9, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 470 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tại thời điểm ngày 22/9, có 3.869 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.398 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.763 TTHC thực hiện ở các cơ quan ngành dọc tại địa phương. Như vậy, cải cách TTHC đã có bước tiến tích cực so cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 09, bộ, cơ quan.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, trong đó, đã yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên 12 lĩnh vực quản lý nhà nước.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tính đến nay, cả nước có 60 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, tỉ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%.

Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022. Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, góp ý kiến đối với phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi của 06 bộ, ngành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án phân cấp đối với hơn 800 TTHC.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3%

 Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến ngày 15/10, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11 bộ, cơ quan. Kết quả dự kiến sắp xếp, sẽ giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đã có 16/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Tại địa phương, trên cơ sở các quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, nhiều nơi đã tích cực rà soát, ban hành Đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao, 58 địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; cấp huyện theo các tiêu chí của Chính phủ. Theo đó, đã giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.649 phòng thuộc sở; 273 chi cục thuộc sở; 638 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp huyện.

Về biên chế, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022-2026 của cả hệ thống chính trị, theo đó, đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022-2026, trong đó, năm học 2022-2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc giao biên chế công chức, viên chức và tuyển dụng viên chức giáo dục bảo đảm kịp thời cho năm học mới.

Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Nội vụ đã tham gia phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thiện 18 dự thảo thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức; 13 thông tư hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc.

Để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngày 14/9, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%).

Về phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tính đến ngày 26/9, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3% (chiếm 54,67% tổng số TTHC).

Nhật Trường - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-tuong-yeu-cau-khoi-thong-cac-nguon-luc-giam-chi-phi-dau-vao-chi-phi-hanh-chinh-208348.html