Thực hư về 'Panorama thứ 2' trên đèo Ô Quý Hồ ở Lai Châu

12/10/2019 11:15

Kinhte&Xahoi Lãnh đạo UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) khẳng định, việc xây dựng khu khách sạn, nhà hàng tại khu vực đèo Ô Quý Hồ đã được tỉnh cấp phép.

Trước thông tin về khu vực đèo Ô Quý Hồ (1 trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam) bị "băm nát" bởi 2 hạng mục nhà hàng và khách sạn 5 tầng, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Từ Hữu Hà sáng nay cho biết, công trình trên đã được tỉnh Lai Châu cấp phép đầy đủ.

Cũng theo lời Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, thông tin khách sạn 5 tầng là sai, thực tế chủ đầu tư xây dựng 3 tầng theo giấy phép được cấp.

Khu nhà hàng, khách sạn trên đèo Ô Quý Hồ 

Vị trí đang xây dựng nhà hàng, khách sạn trước đây được tỉnh dùng làm nhà kiểm lâm. Sau đó, do hoạt động không hiệu quả, năm 2013 Sở TN&MT tỉnh đã ký hợp đồng cho công ty Pusamcap thuê (thời hạn 50 năm) với diện tích hơn 500 nghìn m2 để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên gồm 2 hạng mục chính: 

Trồng mới, khoanh nuôi, cải tạo phát triển rừng với diện tích 417 nghìn m2. Số diện tích còn lại (100 nghìn m2) sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp gồm các hạng mục như xây khu nhà hàng, khách sạn, khu biệt thự sinh thái, chợ đồng bào dân tộc, đào hồ sinh thái... 

Việc ký hợp đồng thuê đất giữa Sở TN&MT tỉnh và công ty Pusamcap Lai Châu được thực hiện theo quyết định 1444 năm 2012 của UBND tỉnh Lai Châu. 

Đến năm 2015, Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu cấp giấy phép xây dựng cho công ty Pusamcap xây dựng các công trình thuộc dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên với các hạng mục:

Cải tạo nhà kiểm lâm thành khách sạn 3 tầng, 34 phòng nghỉ trên diện tích 539m2, nhà hàng cà phê 2 tầng hơn 400m2, và nhà tầng 1 khu hội chợ đồng bào dân tộc. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 100 tỷ đồng. Đầu tháng 9 năm nay, dự án đã tổ chức khai trương giai đoạn 1. 

Trước thông tin cho rằng công trình xây dựng đang "băm nát" đèo Ô Quý Hồ và móc nối với sự việc công trình sai phép ở đèo Mã Lí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) đang xôn xao dư luận nhiều ngày qua, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho rằng 2 dự án là khác biệt, không thể đánh đồng theo ý kiến chủ quan.

"Đây là dự án được cấp phép và được thẩm định cẩn thận, có báo cáo đánh giá tác động môi trường từng hạng mục, thiết kế xây dựng phù hợp với cảnh quan chung và đảm bảo về yếu tố môi trường", lời ông Hà.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cho VietNamNet biết, đang cho cơ quan chuyên môn rà soát lại việc triển khai dự án trên sau khi báo chí phản ánh. Vị này cho hay, tỉnh Lai Châu luôn chú trọng việc phát triển du lịch nhưng phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, không tàn phá môi trường để đánh đổi lợi ích trước mắt. 

Vẻ đẹp hùng vĩ của đèo Ô Quý Hồ (huyện Tam Đường, Lai Châu). Ảnh: Đoàn Bổng

Đèo Ô Quý Hồ (tên gọi khác là đèo Hoàng Liên Sơn) được mệnh danh là 1 trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc nước ta. Cung đường đèo này nổi tiếng với những khúc cua hiểm trở uốn quanh dãy Hoàng Liên Sơn thuộc QL 4D. 

Vị trí của đèo giáp ranh giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, cách khu du lịch Sa Pa (Lào Cai) khoảng hơn 15km. 

Tháng 9/2015, Bộ VHTT&DL chính thức trao Bằng công nhận di tích danh thắng cấp Quốc gia thác Cầu mây và cổng trời thuộc khu vực đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình) cho UBND huyện Tam Đường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cấm đoán kiểu ấy càng xa dân

Tại một số trụ sở UBND xã trên địa bàn một huyện thuộc tỉnh Nghệ An có treo những biển cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm,... cảnh báo "làm lộ bí mật nhà nước". Không một văn bản pháp luật nào coi trụ sở công quyền là "bí mật nhà nước" cả, vì thế, việc cấm này hoàn toàn không đúng.

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus