Theo thông tin từ báo VnExpress, một bệnh nhân 63 tuổi bị đau cột sống nhưng không vào bệnh viện điều trị, được thầy lang xoa bóp rồi tư vấn tiêm thuốc vào cột sống. Nhiều ngày sau tiêm, toàn bộ vùng cơ lưng bên phải của bệnh nhân bị nhiễm trùng, tạo thành nhiều khối áp xe nhỏ.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, thời tiếp nhận bệnh nhân trên đã có biểu hiện sốc nhiễm trùng. tình trạng bệnh nhân rất nặng.
Người dân không nên tự ý tìm tới thầy lang điều trị bệnh vì rất dễ gặp biến chứng bởi thuốc không rõ nguồn gốc. Ảnh: VnExpress
Thông tin về tình trạng trên, bác sĩ Phan Minh Trung, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhiều bệnh nhân đau cột sống cổ, thắt lưng cấp hay mạn tính tự ý đi tiêm cột sống ở nhiều nơi, thủ thuật do người không có trình độ thực hiện, thuốc tiêm không rõ nguồn gốc, tiêm lặp lại 10-15 lần.
"Không phải bệnh nhân nào bị đau cột sống cũng được áp dụng phương pháp tiêm thuốc", bác sĩ Trung cho biết. Ví dụ người bệnh bị chèn ép thần kinh phải can thiệp bằng phương pháp đúng khác. Can thiệp sai phương pháp khiến bệnh nặng hơn và chậm trễ thời gian điều trị.
Bệnh nhân gặp biến chứng do thuốc tiêm cột sống. Các cơ sở tiêm cột sống thường sử dụng thuốc có chứa corticoid, khiến toàn bộ phần mềm, cơ và dây chằng bị ảnh hưởng. Một số bệnh nhân nhập viện với cơ, dây chằng đã hoại tử, nát mủn, cơ xơ cứng, teo. Tiêm quá nhiều corticoid cũng khiến cho toàn cơ thể bị rối loạn nội tiết nặng.
Cơ thể bệnh nhân còn bị thương do tiêm không không chính xác, gây chảy máu, nhiễm trùng khi các cơ sở trôi nổi thấy bệnh nhân đau ở đâu thì tiêm vào đó. Nhiều bệnh nhân bị tổn thương quá nặng, nhiễm trùng tạo thành ổ áp xe quanh cột sống hoặc vùng rất sâu, áp xe lan vào lòng cột sống, trở thành áp xe ngoài màng cứng chèn ép thần kinh. Nếu tiêm ở vùng đốt sống ngực hoặc cổ, biến chứng có thể khiến bệnh nhân bị liệt.
Theo bác sĩ Trung, tiêm cột sống là kỹ thuật chống đau can thiệp. Có rất nhiều kỹ thuật tiêm cột sống khác nhau như tiêm diện khớp, nhánh trong, rễ chọn lọc, ngoài màng cứng, đĩa đệm, lỗ cùng, khớp cùng chậu... Để sử dụng, bác sĩ cần có chuyên khoa và chỉ định đúng kỹ thuật cho từng bệnh nhân cụ thể, tùy theo tổn thương bệnh lý. Ngoài ra, việc tiêm cột sống hiện nay đòi hỏi thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, C-arm... để đảm bảo tiêm chính xác vào đích tổn thương, sử dụng lượng thuốc tối thiểu và tránh biến chứng.
BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương cũng cho biết: BV đã tiếp nhận không ít bệnh nhân đến cấp cứu do bị ngộ độc thuốc Đông y. Điều đáng nói là những bệnh nhân này đều mua thuốc từ những thầy lang vườn, qua quảng cáo trên mạng hay lời đồn thổi, giới thiệu từ người quen. Không ít người đã phải trả giá vì bị ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong”.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tới các bệnh viện chuyên khoa để được chỉ định điều trị đúng. Không nên nghe lời người bán thuốc, hàng xóm, bạn bè khuyên tới các cơ sở tiêm thuốc trôi nổi, thuốc không đảm bảo chất lượng tốt nhất khiến tiền mất tật mang. Đặc biệt người tiêu dùng không nên tin các cơ sở đông y đang quảng cáo trên mạng xã hội. Đã là thuốc thì cần thận trọng, vì dù thuốc đông y có lành tính nhưng nếu hàm lượng thuốc thừa hoặc thiếu so với quy định cũng gây độc hại cho người dùng.
An Dương