Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng

18/02/2022 20:02

Kinhte&Xahoi Chiều 18/2, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội (từ phải sang): TS. Nguyễn Sĩ Dũng; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tọa đàm có sự tham dự của các vị khách mời: TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM).

Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước", với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho các cháu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng.

Đưa ra các chứng cứ khoa học và thực tiễn, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêm chủng và phòng chống COVID-19 đều khẳng định một thông điệp rất rõ ràng: Tiêm chủng lợi ích rất lớn, lớn gấp nhiều lần so với rủi ro. Các bậc cha mẹ không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em.

Vừa qua, Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một phản ứng chính sách rất sáng suốt và kịp thời.

Hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi

 Về tình hình thế giới liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ em lứa tuổi này. Hiện nay đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Đây là những vaccine đã được sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

“Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam chúng ta đã triển khai như các quốc gia trên thế giới”, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết.

Thông tin thêm dữ liệu về việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 cho đến 17 tuổi trước đó, PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, hiện nay, chiến dịch này rất thành công. Số mũi tiêm đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đã đạt được 94,6%. Việc này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và sự chấp nhận của cha mẹ rất cao.

“Một lưu ý chúng tôi muốn chia sẻ là trong quá trình triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12 cho đến dưới 18 tuổi, chúng ta ghi nhận số liệu tiêm chủng rất an toàn. Về các phản ứng thông thường chúng ta ghi nhận chỉ có từ 0,5 cho đến 10% các cháu được tiêm chủng có phản ứng thông thường, tùy từng địa phương. Với 17 triệu mũi tiêm, chúng tôi ghi nhận có 5 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine sử dụng có phản ứng nặng, tức là các cháu phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị”, PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay.

Lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm

 Nêu thực tiễn tại TPHCM - nơi tâm dịch vừa đi qua, GS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, TPHCM đã triển khai tiêm cho các cháu từ 12-18 tuổi 100% an toàn. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp.

Sau tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể tháng 11/2021, có 163 trường hợp các cháu nhập viện; tháng 12/2021: 150 trường hợp. Đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp.

Ở Hà Nội, PGS.TS. Trần Minh Điển cho biết, dù chưa có số liệu thống kê một cách chắc chắn và cụ thể nhưng chúng ta đều nhìn thấy được qua thực tế là nhóm tuổi từ 12 đến 18 tuổi có mắc thì cũng ở thể nhẹ, không đến mức độ chuyển nặng phải nhập viện hoặc có thể tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi sàng lọc có hàng trăm em bị COVID-19, các em chủ yếu ở các nhóm tuổi chưa được tiêm chủng dưới 12 tuổi. Đặc biệt, những hậu quả hậu COVID-19 ở trẻ em là vấn đề cần hết sức lưu ý để thấy được tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ.

PGS.TS Trần Minh Điển: Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người.

PGS.TS. Dương Thị Hồng cũng khuyến cáo, COVID-19 cũng như các bệnh do virus, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta cần đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

“Chúng ta nhớ lại trong quá khứ, có vaccine nhưng trẻ không được tiếp cận tiêm chủng và đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đó là vụ dịch sởi cách đây vài năm, rất thương tâm. Trẻ chưa được tiêm chủng mắc sởi và các cháu đã có những biến chứng rất trầm trọng và tử vong trong khi chúng ta có nguồn vaccine dồi dào và tỉ lệ tiêm chủng sởi rất cao trên 90%; nhưng có những gia đình nhất định chưa đưa con mình đi tiêm chủng và hệ luỵ đã xảy ra”, TS. Dương Thị Hồng cảnh báo.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng đưa ra dẫn chứng, các nhà khoa học Italy và Anh đã khảo sát 510 trường hợp ở Italy và Anh nhiễm COVID-19 từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy các cháu có những triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần. COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các cháu, các cháu cảm thấy mệt, khó thở, đánh trống ngực, tinh thần không ổn định; chỉ có 10% các cháu trở lại sinh hoạt bình thường. Qua đó cho thấy ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của COVID-19 đối với trẻ em như thế nào là vấn đề quan trọng.

Thông tin về loại vaccine tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, TS. Dương Thị Hồng cho biết, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Tới đây tiêm cho trẻ em từ 5 cho đến 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn toàn khác với vaccine chúng ta đã tiêm cho lứa tuổi trẻ từ 12 cho tới 17 tuổi. Hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng, chưa có một chiến dịch tiêm chủng nào mà có sự tham gia chỉ đạo rất sát sao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp cũng tham gia vào công tác tiêm chủng an toàn, đã có công tác theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm tốt. Chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn để bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch COVID-19”, PGS.TS. Dương Thị Hồng khẳng định.

PGS.TS Dương Thị Hồng: Tới đây, chương trình tiêm chủng mở rộng, rất mong các cán bộ y tế tiêm chủng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho các thầy các cô, cha mẹ, cộng đồng chịu khó chăm sóc các bé sau khi tiêm, phát hiện những triệu chứng cần xử lý kịp thời để tránh rủi ro đáng tiếc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thương con là phải bảo vệ con tốt hơn

Thấu hiểu nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.

Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.

Ngược lại, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng cho rằng chúng ta cũng hết sức thông cảm với phụ huynh khi lo lắng lúc tiêm gặp phải những biến chứng, sốc phản vệ. “CDC Hoa Kỳ và châu Âu cũng đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ trước khi cấp phép vaccine để đưa vào sử dụng. Ví dụ đối với vaccine Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh liều sốc phản vệ ngay cả người lớn khi tiêm Pfizer và những vaccine khác thì tỉ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/một triệu liều tiêm’, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng thông tin.

Đặc biệt đối với vaccine Pfizer thì tỉ lệ là 9,3/một triệu liều tiêm và không có ca nào tử vong. So sánh với những vaccine khác đã tiêm cho các cháu như: Dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vaccine COVID-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn đứng hàng thứ 5 sau những vaccine chúng ta đã từng tiêm cho trẻ em.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng và PGS.TS Trần Minh Điển thảo luận tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do đó để tiêm cho trẻ em thì kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc COVID-19 rất nguy hiểm.

“Chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Nếu 10% trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường”, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng lưu ý.

Nhìn nhận vấn đề này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm, từ các chứng cứ, căn cứ khoa học, thực tiễn cho thấy độ an toàn của tiêm chủng. Không tiêm rủi ro sẽ lớn hơn tiêm rất nhiều, chúng ta phải lựa chọn phương án tốt hơn, không tiêm là phương án xấu hơn rất nhiều, bị lây nhiễm nhiều hơn, trở nặng nhiều hơn, các cháu nguy cơ hậu COVID-19 cũng nhiều hơn.

“Thương con là phải bảo vệ con tốt hơn, thương con là phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của trẻ em. Chúng ta cũng phải nhìn nhận góc độ quyền được bảo vệ của trẻ em, quyền được tiêm chủng và không bị lây nhiễm bệnh tật. Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền của trẻ em”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.

Quốc Tấn - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tiem-vaccine-covid-19-cho-tre-em-nhung-luu-y-quan-trong-190160.html