Tiền máu

24/09/2019 15:35

Kinhte&Xahoi Trong khi những người mẹ phải “bán máu” để lấy tiền chữa trị ung thư cho con, trong khi 1/3 bệnh nhân ung thư trở thành khánh kiệt sau chỉ 1 năm chữa bệnh thì việc làm giàu nhờ những hộp thuốc ung thư giả, rõ ràng là đang kiếm ăn trên máu xương, tính mạng của đồng bào. Kể cả những kẻ đã cầm 14 tỉ tiền bôi trơn của VN Pharma.

Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma khóc trong phiên tòa sơ thẩm, nhưng đó không phải là nước mắt vì những gia đình khánh kiệt, vì những người mẹ phải bán máu

Bán tất. Bán hết. Bán đến khánh kiệt. Bán đến khi chỉ còn tay trắng... để cố thêm được một ngày còn thấy con là hay ngày đó. Tình trạng của một gia đình, một người mẹ có con đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều.

Bé Phương Thanh bị ung thư hạch, chỉ có một ước ao nghe đến rớt nước mắt “Con không thích mắc bệnh này, con sợ giống như anh Khang với chị Giang không được truyền thuốc nữa, bị trả về quê”.

Bệnh ung thư của bé rất đau, và rất nhanh khiến gia đình trở nên khánh kiệt, hiểu theo nghĩa là không còn bất cứ thứ gì còn có thể bán. Vào cuối 2018, sau 1 năm chữa trị cho con, người mẹ rút cục không thể vay mượn đâu được nữa. Và chị đi “bán máu”, với mỗi lần 320 ngàn.

Nhưng chị Duyến không phải là một ngoại lệ.

TS Nguyễn Tiến Quang có lần đã công bố những con số “hệ lụy nặng nề”. Theo đó, có đến 34% bệnh nhân ung thư ở nước ta không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh; 22% không thể thanh toán chi phí đi lại; 24,37% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt (không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện, nước, gas…), phải vay mượn, thậm chí gần 9% gia đình phải bán đất đai, chuyển nhà...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng từng tính toán tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư phổ biến chiếm khoảng 0,22% tổng GDP hàng năm của Việt Nam.
 
Phải chép lại những con số đó, bởi trong vụ buôn lậu thuốc ung thư giả tại VN Pharma hôm nay có những con số phải gọi là tiền máu.

Phải gọi là tiền máu bởi giá một hộp H-Capita 500mg, từ 27 USD, được bán cho các bệnh viện với giá 930.000/hộp. Mức độ lợi nhuận không khác gì “buôn ma túy”.

Phải gọi là tiền máu, bởi số tiền bán loại thuốc “không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người” ấy được đưa vào quỹ đen, sau dùng cả chục tỉ để “chạy án”, được biến thành hoa hồng cho những người tiếp tay.

10 tỉ chạy án, từ sự khánh kiệt của bệnh nhân ung thư.

14 tỉ “hoa hồng” cho việc bán thuốc giả, từ tiền bán máu của những người mẹ.

Số tiền ấy đi đâu? Ai đã cầm tiền máu ấy. Những câu hỏi ấy cần phải được làm rõ. Bởi đó là công bằng phải trả lại cho người dân, cho những bệnh nhân ung thư đã dùng thuốc giả mà giờ này có khi đã không còn trên cõi đời này nữa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sai phạm đất rừng Sóc Sơn: Sau kỷ luật cán bộ có xem xét trách nhiệm hình sự?

Sau 5 tháng công bố kết luận Thanh tra, cuối cùng 39 cán bộ bao gồm cả nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút, hai phó chủ tịch là ông Đỗ Minh Tuấn và ông Tạ Văn Đạo đều bị kỷ luật với các hình thức khác nhau do liên quan đến các vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn. Vậy sau việc xử lý về mặt chính quyền và đảng, các cá nhân, tập thể liên quan tới sai phạm này có bị xem xét trách nhiệm hình sự như kiến nghị của Thanh tra trước đó?

Theo Lao Đông/ Pháp luật Plus