Tiếp sức nghệ nhân bảo tồn di sản

14/10/2023 10:44

Kinhte&Xahoi Ngành Văn hóa Thủ đô vừa hoàn tất việc chi trả kinh phí đãi ngộ cho 14 nghệ nhân nhân dân và 101 nghệ nhân ưu tú đủ điều kiện theo Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội quy định Chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với chế độ đãi ngộ, tôn vinh, nhiều giải pháp khác cũng được đặt ra nhằm hỗ trợ “báu vật nhân văn sống” tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trên hành trình bảo vệ, trao truyền, quảng bá di sản Thăng Long - Hà Nội.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (giữa), xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, vẫn gắn bó với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống.

Chính sách kịp thời và thiết thực

Là một trong 101 nghệ nhân ưu tú được nhận kinh phí đãi ngộ từ thành phố dành cho những cống hiến không mệt mỏi trong việc gìn giữ, trao truyền nghệ thuật múa rối nước ở địa phương, Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng (thôn Tế Tiêu, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) không giấu nổi niềm tự hào, hãnh diện trước sự quan tâm, ghi nhận của thành phố.

Ông bày tỏ: “Sự quan tâm, ghi nhận từ các cấp lãnh đạo thành phố cùng ngành Văn hóa Thủ đô cho chúng tôi cảm giác mình không đơn độc trên hành trình gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền mà cha ông để lại, từ đó cũng xác định rõ hơn trách nhiệm của mình đối với việc lưu giữ và truyền bá những giá trị văn hóa đó”.

Cùng chung tâm trạng với Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng là Nghệ nhân nhân dân Lương Tất Tố - người đã có nhiều thập kỷ theo đuổi sự nghiệp bảo vệ, trao truyền, quảng bá di sản hò cửa đình, múa bài bông ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên.

Theo Nghệ nhân nhân dân Lương Tất Tố, chế độ đãi ngộ của thành phố được thực hiện trong bối cảnh phần đông nghệ nhân tuổi cao, đời sống khó khăn, thu nhập bấp bênh đã trở thành nguồn khích lệ kịp thời và thiết thực.

Là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, Hà Nội ghi nhận 1.793 di sản văn hóa phi vật thể với đa dạng loại hình, từ nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng… đến nghệ thuật trình diễn dân gian. Với khối di sản đồ sộ này, Hà Nội hiện cũng dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân được phong tặng các danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản, trong đó Nghị quyết số 23 của HĐND thành phố được coi là bước đột phá trong chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ, góp phần nâng cao năng lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể từ cấp cơ sở.

Theo đó, cùng với việc hỗ trợ kinh phí đãi ngộ một lần từ 30 đến 40 triệu đồng cho nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, các nghệ nhân còn được hỗ trợ kinh phí theo từng buổi truyền dạy với mức từ 300 đến 500 nghìn đồng/người…

Sát cánh cùng nghệ nhân bảo tồn bền vững di sản

Cùng với chính sách đãi ngộ, tôn vinh, Hà Nội còn có nhiều kế hoạch, hành động nhằm sát cánh cùng nghệ nhân trong sự nghiệp bảo tồn di sản.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, trước đó, thành phố đã ban hành Kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025 với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể; tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn dành cho từng nhóm di sản... Xuyên suốt trong đó là các giải pháp nhằm hỗ trợ, khích lệ nghệ nhân.

Về vấn đề này, theo Giáo sư, Tiến Sĩ Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), để nâng cao vai trò của nghệ nhân dân gian trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể được quy định trong các Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua, Khen thưởng và các luật liên quan. Tăng cường tổ chức các chương trình hỗ trợ, quảng bá về nghệ thuật và di sản văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân dân gian có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ; chú trọng công tác vinh danh, nêu gương nghệ nhân, khơi dậy niềm tự hào ở mỗi nghệ nhân nói riêng, những thành viên khác trong cộng đồng nói chung trong việc chung tay bảo tồn di sản…

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) cho rằng: Các đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng cần phát huy trách nhiệm, không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng; tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng. Các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cần là “đầu tàu”, “tấm gương sáng” trong việc bảo vệ, thực hành và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng và xã hội.

 Thanh Thủy -Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không nên tự điều trị bệnh đau mắt đỏ

Số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại, nhiều người tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, tự dùng thuốc kháng sinh hoặc chữa bằng các “mẹo” dân gian khiến tình trạng bệnh càng thêm phức tạp.

Nguồn Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/tiep-suc-nghe-nhan-bao-ton-di-san-644950.html