Tiếp thu, giải trình 147 ý kiến đối với 5 nội dung quan trọng trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố

27/04/2023 19:14

Kinhte&Xahoi Sáng 27/4, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiếp tục thực hiện chương trình Hội nghị lần thứ mười hai.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh điều hành phần tiếp thu, giải trình của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
 
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã nghe tờ trình, báo cáo và thảo luận, cho ý kiến tại tổ về 5 nội dung quan trọng, gồm: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII; Điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 Đảng bộ Thành phố.
 
Thống nhất cao với các nội dung trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố
 
Tổng hợp kết quả thảo luận, ngày 26/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, có 73 lượt đại biểu phát biểu thảo luận với 147 ý kiến về các nội dung trên. Các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung tờ trình, báo cáo và thống nhất với dự thảo Nghị quyết Hội nghị do Ban Thường vụ Thành ủy chuẩn bị.
 
Tiếp đó, hội nghị đã nghe các báo cáo giải trình đối với các ý kiến khác được đại biểu nêu trong các phiên thảo luận.
 
Mở đầu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đã giải trình về các ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn giải trình về các ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô 

Theo đó, có 57 ý kiến tham gia đóng góp vào các nội dung Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung đại biểu góp ý để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, Thành phố sẽ rà soát tính toán cụ thể hơn về dự báo quy mô dân số, bao gồm cả tính toán số lượng sinh viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động không đăng ký tạm trú trên địa bàn...
 
Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, làm sâu sắc hơn những nét đặc trưng văn hiến, văn minh, hiện đại; nghiên cứu tiếp trong chương trình phát triển đô thị đối với mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; làm rõ 5 trục không gian phát triển chính của Thủ đô.
 
Đối với việc nghiên cứu sân bay thứ hai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, sở dĩ quy hoạch đưa vào nội dung này vì Quy hoạch cảng hàng không sân bay toàn quốc có xác định Hà Nội là thủ đô lớn, mà thủ đô lớn thì có 2 sân bay được bố trí theo trục Bắc - Nam, vì vậy, sân bay thứ hai sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía Nam thành phố. Đây cũng là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.
 
Đối với các trục phát triển, Thành phố nhất trí với ý kiến đại biểu cho rằng trục sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo tồn vừa phát triển, nhất là có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu hoàn thiện nội dung trục phát triển bảo đảm thống nhất với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, các đại biểu cơ bản đánh giá cao việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời, tập trung vào 12 nội dung Ban Cán sự đảng UBND thành phố xin ý kiến. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ về việc hoàn thiện bộ máy chính quyền, khai thác công tư, phân quyền trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tổng hợp 11 nhóm ý kiến, trong đó, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về: Chính sách cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cả lĩnh vực công và tư; phân cấp, phân quyền cao hơn đối với cấp huyện… Một số đại biểu cũng nêu các ý kiến đóng góp về lĩnh vực quy hoạch nông nghiệp, đất rừng, bố trí nhà đất tái định cư ở nơi khác cho người dân bị thu hồi đất. 
 
Một số đại biểu cũng nêu ý kiến về tỷ lệ đất để xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp để làm kho bãi, nơi chế biến, bảo quản nông sản; duy trì bảo dưỡng công trình, tài sản công; đãi ngộ nghệ nhân thủ công làng nghề, trùng tu di sản văn hóa; xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; phát triển nhà ở xã hội; xây dựng cơ chế tài chính thuế phí miễn giảm thuế một số lĩnh vực để phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ cao, hiện đại; tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực sự nghiệp đầu tư công; quản lý nhân khẩu theo Luật Cư trú; hoàn thiện các quy định về quản lý tổ chức bộ máy…
 
Phát huy dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ tập thể và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
 
Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, giải trình các ý về nội dung Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 05-QC/TU của Thành ủy khóa XVII. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tiếp thu, giải trình tại Hội nghị

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đã có 27 ý kiến tham gia phát biểu về việc sửa đổi quy chế làm việc của Thành ủy. Tất cả các ý kiến đều cơ bản thống nhất các nội dung đề xuất sửa đổi quy chế làm việc của Thành ủy. 
 
Các ý kiến đều thống nhất việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trong dự thảo Quy chế mới theo hướng tăng cường đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hợp lý, tăng cường tính chủ động trong giải quyết công việc của UBND Thành phố theo thẩm quyền, nhưng vẫn bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, phát huy dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ tập thể và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; đồng thời, phân bổ, điều tiết hợp lý đối với nhiệm vụ thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo khoa học, hiệu quả, rút ngắn quy trình văn bản hóa ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy sau Hội nghị Thường trực Thành ủy là phù hợp với các quy định của Trung ương và điều kiện thực tiễn của Thành phố.
 
Tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ về điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua thảo luận tại 4 tổ, các ý kiến phát biểu đều nhất trí về việc điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, cụ thể đối với nội dung 2 điều chỉnh từ giám sát về công tác cán bộ thành kiểm tra về công tác cán bộ để phù hợp với Kết luận của Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025)

Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). 100% đại biểu dự họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị.
 
Kiên định với 2 thành phố trực thuộc và 5 trục phát triển Thủ đô
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra. Các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu đã phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các tờ trình, báo cáo, đề án. Các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm và đánh giá cao công tác chuẩn bị nghiêm túc, có chất lượng của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND Thành phố; cơ bản đồng tình và nhất trí cao với các nội dung trình hội nghị; đồng thời, đã tập trung, thảo luận, phân tích, làm rõ thêm các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Nhấn mạnh thêm một số vấn đề lớn, quan trọng và khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị đối với từng nội dung cho ý kiến, Bí thư Thành ủy cho rằng, về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), trên cơ sở kết quả thảo luận tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cơ bản thống nhất với Định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của các Đại biểu dự họp để cập nhật, bổ sung trong quá trình lập Đồ án. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của Đồ án, Bí thư Thành ủy đề nghị cần lưu ý 4 nhóm nội dung quan trọng gồm: Việc thống nhất thời hạn của Đồ án; yêu cầu bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương; bảo đảm định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô và 5 trục phát triển.
 
Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy cho biết, hội nghị cơ bản tán thành với nội dung Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô đã bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Thành phố, đặc biệt là định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
 
Đồng chí đề nghị, trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học dưới các hình thức, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương theo quy định, đặc biệt là công bố công khai để lấy ý kiến của nhân dân Thủ đô để vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.
 
Về Báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến tham gia, đóng góp rất sâu sắc, có chất lượng tập trung vào 12 vấn đề Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình xin ý kiến; nhiều ý kiến cũng đã tham gia, đóng góp, bổ sung các chính sách, giải pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tổng hợp, tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, lưu ý một số vấn đề như nguyên tắc tiếp thu tối đa những nội dung có sự thống nhất cao; tiếp tục rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị trong thời gian qua về phát triển đô thị Việt Nam, về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng…
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ba nội dung vừa nêu trên là các nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô, có mối quan hệ mật thiết với nhau.
 
“Theo kế hoạch đã đề ra, dự kiến 3 nội dung nêu trên sẽ cố gắng trình Bộ Chính trị vào những tháng cuối năm 2023. Thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, do đó, để bảo đảm tiến độ, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố cần phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân. Bộ phận thường trực tổ chức giao ban hàng tuần để kiểm điểm công việc theo tiến độ đề ra, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc”, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo.
 
Đối với sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 05 của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khoá XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia, đóng góp xác đáng của các đại biểu dự họp, hoàn thiện Quy chế, trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, phê duyệt và ký ban hành để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ Thành phố.
 
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cũng thống nhất điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy; chuyển cuộc giám sát về công tác cán bộ thành cuộc kiểm tra về công tác cán bộ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Khẳng định Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII đã thành công tốt đẹp, Bí thư Thành ủy tin tưởng, trên cơ sở Nghị quyết và Kết luận của hội nghị, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và cả hệ thống chính trị của Thành phố sẽ tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện các Đề án, Dự án, Báo cáo trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua theo đúng kế hoạch đề ra.
 
Nhấn mạnh năm 2023 là năm có ý nghĩa “bản lề” cho sự thắng lợi của cả nhiệm kỳ 2020-2025 đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các ngành, các địa phương và từng đồng chí Thành ủy viên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của năm 2023, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.

Trọng Toàn - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2857274/tiep-thu-giai-trinh-147-y-kien-oi-voi-5-noi-dung-quan-trong-trinh-ban-chap-hanh-ang-bo-thanh-pho.html