Tiếp tục làm nghiêm hơn để xử lý triệt để vi phạm

16/04/2020 11:12

Kinhte&Xahoi Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 15-4, trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra tình trạng vi phạm cách ly xã hội. Yêu cầu đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng như hiện nay là các cấp, ngành chức năng phải quyết liệt hơn, xử lý triệt để sự thiếu ý thức, không chấp hành quy định của một bộ phận người dân.

Ngày 15-4, chợ “cóc” ngõ 64 Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân vẫn tấp nập người bán, người mua.

Vẫn xuất hiện trường hợp cố tình vi phạm       

Ghi nhận tại quận Đống Đa vào sáng 15-4, ở số nhà 112, nhà C1, tập thể Nam Đồng; số 73 phố Nguyễn Lương Bằng (đều kinh doanh điện thoại) và cửa hàng Thế giới xe điện số 80 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Ô Chợ Dừa vẫn mở cửa kinh doanh mặt hàng không thiết yếu.

Tương tự, trên đường Bưởi kéo dài đến phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), nhiều hàng ăn sáng treo biển “bán mang về, ship tận nhà” như: Quán cháo lòng (532 đường Bưởi); Tiệm cô Oanh (43 Vĩnh Phúc); Xôi thịt (77C Vĩnh Phúc); Cháo dinh dưỡng (số 10 lô A Vĩnh Phúc)... nhưng thực tế vẫn bán cho khách đến ăn.

Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), tình trạng người bán hàng rong, chợ “cóc” vẫn diễn ra. Trước cửa Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa, cả người bán rong và khách điềm nhiên đứng mua bán. Quán nước ở sân khu tập thể K8 Thành Công vẫn có cả chục người ngồi uống nước, có người không đeo khẩu trang...

Tại quận Hoàng Mai, các cửa hàng sửa chữa điện thoại, kính mắt 196 và 202 Kim Giang; một số quán bán đồ ăn như 189, 193 Trương  Định; các cửa hàng bán ô tô cũ, đèn chiếu sáng, thiết bị vệ sinh ở 393, 399, 389A, 401 Nguyễn Xiển… ngang nhiên mở cửa đón khách.

Một tình trạng đáng lo ngại là trong ngày 15-4, dù UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) bố trí công an tuần tra liên tục để dẹp chợ “cóc” trên đường Đại Từ nhưng nhiều người bán hàng rong chờ lực lượng chức năng đi qua lại bày bán hàng trở lại. Tình trạng này cũng xảy ra tại chợ “cóc” khu chung cư Linh Đàm như Báo Hànộimới từng phản ánh trong các số báo trước.

Tương tự là chợ "cóc" ngõ 64 Kim Giang (quận Thanh Xuân) vẫn tấp nập người bán, người mua. Tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa), các mặt hàng thực phẩm, rau, hoa quả, thủy sản tươi sống rất phong phú, người dân mua bán đông đúc, không tuân thủ quy định cách 2m. Còn tại đầu ngõ giáp số nhà 699 Vũ Tông Phan, giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai, một chợ "cóc" vẫn hoạt động. Theo quan sát, hai bên mặt ngõ, 4-5 hộ kinh doanh gia cầm sống giết mổ ngay khi có khách yêu cầu.

Án ngữ ngay cổng vào Khu đô thị Goldmark City, số 136 đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm) là dãy hàng rong bán mít, bánh mì, dừa tươi... Tương tự, tại phường Tân Xuân (quận Bắc Từ Liêm) một số cửa hàng sửa chữa xe máy, rửa xe máy tại số nhà 120, 143, 164b, 229, 275 phố Tân Xuân vẫn hoạt động...

Ở khu vực ngoại thành, các quy định về cách ly xã hội tiếp tục được thực hiện tương đối nghiêm túc. Tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ), người dân đều thực hiện nghiêm những quy định phòng, chống dịch. Bà Lê Thị Dần, thôn Võng Ngoại, xã Võng Xuyên cho biết: "Những ngày này, khi ra đồng thu hoạch rau, chúng tôi đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m như khuyến cáo và làm xong là về nhà luôn". Ghi nhận trong chiều 15-4, tại huyện Đông Anh, các cửa hàng chấp hành nghiêm lệnh đóng cửa. Các lối ra vào các thôn, xã đều có chốt kiểm tra y tế; các khu chợ đều yêu cầu người bán và người mua tuân thủ nghiêm quy định đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, ở một số khu vực thị trấn, thị tứ vẫn có nhiều cửa hàng vàng bạc đá quý, thiết bị điện tử, rửa xe… mở cửa kinh doanh, đặc biệt là tại các khu vực dọc theo quốc lộ 21B và xung quanh các chợ cóc trên địa bàn huyện Thanh Oai và thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa).

Tăng cường tuần tra, giám sát và xử lý vi phạm

Trước việc vẫn còn tình trạng vi phạm cách ly xã hội, trong ngày 15-4, các địa phương tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra để nhắc nhở và xử phạt.

Về việc xử lý các hàng quán cố tình mở cửa bán hàng, ông Nguyễn Sỹ Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho biết, phường duy trì 4 tổ công tác ra quân kiểm tra sáng, chiều để tuyên truyền, xử lý vi phạm. Về phản ánh tình trạng cửa hàng, chợ “cóc” vẫn hoạt động trên địa bàn, ông Nguyễn Sỹ Phong cho biết sẽ cử lực lượng kiểm tra, nếu vi phạm, phường kiên quyết xử lý nghiêm.

Trước phản ánh của Báo Hànộimới về tình trạng bán hàng rong tại phố Nguyễn Xiển (phía trước dự án Công viên Chu Văn An), theo Trung tá Nguyễn Văn Lợi, Phó Trưởng Công an phường Đại Kim, ngay chiều 15-4, công an phường đã có mặt tại hiện trường để xử lý vi phạm. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) tiếp nhận thông tin phản ánh vẫn còn một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn mở cửa và cho biết sẽ tiến hành kiểm tra ngay để có kết quả trả lời Báo Hànộimới.

Ở “điểm nóng” về tình trạng tập trung đông người là chợ đầu mối phía Nam, ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) cho biết: "Đơn vị đã phân luồng giao thông trong chợ. Theo đó, người đi chợ sẽ gửi xe ở ngoài và đi bộ vào. Chúng tôi cũng thực hiện chia vạch để bảo đảm khoảng cách 2m giữa người bán với người mua".

Tại quận Long Biên, tiếp thu phản ánh của Báo Hànộimới về một số cửa hàng trên phố Lâm Du vẫn mở cửa trong ngày 14-4, UBND phường Bồ Đề đã làm việc với từng chủ cửa hàng để yêu cầu ký cam kết và thực hiện nghiêm quy định đóng cửa tạm thời. Còn Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, hiện phường tổ chức lực lượng “cắm chốt” tại những nơi tập trung đông người như chợ Gia Lâm, vườn hoa Ngọc Lâm, vườn hoa Dốc Cẩm…

“Sáng 15-4, ngay khi nhận được phản ánh tại chợ tạm phố Tản Đà (phường Nguyễn Trãi), người dân mua bán đông, không bảo đảm khoảng cách 2m, quận đã chỉ đạo UBND phường Nguyễn Trãi cử người chốt trực 2 đầu chợ để nhắc nhở. Đến trưa 15-4, những bất cập này đã được khắc phục”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông Đặng Thị Thu Hương thông tin.

Tương tự, Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) Hồ Trọng Thắng cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Hànộimới về tình trạng chợ tạm họp tại đường Nguyễn Văn Giáp, sáng 15-4, phường đã yêu cầu các hộ tạm dừng bán hàng, cam kết không tái phạm”. Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Kim Liên (quận Đống Đa), lãnh đạo phường đã xuống địa bàn nhắc nhở các trường hợp không đeo khẩu trang, không tuân thủ khoảng cách tối thiểu 2m.

Cũng ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo Hànộimới, ngày 15-4, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn, chưa bảo đảm công tác phòng dịch tại chợ “cóc” ở ngõ 47, đường Hồng Hà, xóm 3 thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng và chợ dân sinh xã Ninh Hiệp.

Trên địa bàn thị xã Sơn Tây, theo Thượng tá Ngô Đình Ngũ, Trưởng Công an thị xã, ngày 15-4, do tiết trời chuyển nắng ấm nên một bộ phận người dân đã ra ngoài đường không có lý do cần thiết. Do vậy, Công an thị xã đã cử lực lượng tham gia 135 chốt kiểm soát ở các xã, phường để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội.

Mặc dù tình trạng vi phạm cách ly xã hội trên địa bàn Thủ đô chỉ mang tính cục bộ ở một số xã, phường, nhưng chính những “đốm lửa nhỏ” này sẽ gây ra nguy cơ rất lớn cho cộng đồng, đặc biệt là hiện nay dịch bệnh còn phức tạp và Hà Nội là một trong số 12 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện kéo dài thêm thời hạn cách ly xã hội. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định cách ly xã hội, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; còn các chính quyền cơ sở cần kiên quyết hơn, xử lý triệt để các vi phạm. Cuộc chiến chống “giặc Covid-19” là phức tạp, diễn biến nhanh và chưa từng có trong tiền lệ nên càng đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì.

Xử phạt 6.779 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19

Theo báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã, tính đến 17h ngày 15-4, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 6.779 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, riêng ngày 15-4, xử phạt 906 trường hợp vi phạm. Các vi phạm bị xử phạt, gồm: Mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết...

Những địa phương có số liệu xử phạt cao nhất ở khu vực nội thành là các quận: Đống Đa (780 trường hợp), Nam Từ Liêm (602 trường hợp), Hai Bà Trưng (467 trường hợp), Hà Đông (442 trường hợp)... Ở khu vực ngoại thành, số liệu xử phạt cao nhất là các huyện: Thanh Trì (387 trường hợp), Đan Phượng (308 trường hợp), Phúc Thọ (201 trường hợp); thấp nhất gồm các huyện Mê Linh (18 trường hợp), Ứng Hòa (25 trường hợp), Mỹ Đức (26 trường hợp)... 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đồng hành cùng người lao động

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục đe dọa nền kinh tế toàn cầu, tại Hà Nội ngày càng có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đề ra những giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/964643/tiep-tuc-lam-nghiem-hon-de-xu-ly-triet-de-vi-pham?fbclid=IwAR1LyyS9AhqsONs4IaH1FFYxJg6ZyWtcEx-6tPz4nZ-7MG8o3Tja037wKsE