Tình yêu của một người đàn ông

08/11/2020 16:34

Kinhte&Xahoi Hình ảnh người đàn ông Trà Leng bật khóc xin đi nhờ xe về tìm vợ con trong cơn bão vừa qua gây xúc động cho rất nhiều người. Nhiều người bảo đàn ông yêu vợ con như thế bây giờ ít lắm...

Người đàn ông Trà Leng trào nước mắt xin đi nhờ xe về tìm vợ con (Ảnh cắt từ clip lan tỏa trên mạng những ngày vừa qua)

Có một người đàn ông đi làm ăn xa. Một sáng thức dậy, anh nghe tin thôn mình ở đã bị núi lở vùi lấp sau cơn bão. Anh vội ôm vài bộ đồ trên tay, chạy bộ suốt mười giờ đồng hồ đường rừng để về quê tìm vợ con.

Trên đường, anh vừa đi vừa khóc, nghĩ đến một viễn cảnh đau thương. Anh gặp một đoàn từ thiện trên đường, vừa khóc vừa xin đi nhờ xe để đến bệnh viện nơi vợ và các con anh đang cấp cứu. Ai đó cho anh ít tiền nhưng anh nhất định không lấy. Giọng anh nghẹn ngào trào nước mắt: “Cho em xin xe đi thôi em không cần tiền".  

Đó là hình ảnh xúc động về người đàn ông Trà Leng được đăng tải trên mạng xã hội trong cơn bão số 9 vừa qua gây xúc động cho rất nhiều người. Thật may mắn, các con anh chỉ bị thương, còn người vợ đang mang bầu của anh vì có việc đi ra ngoài nên thoát được cái chết trong gang tấc.

Nụ cười đã nở trên môi người đàn ông Trà Leng. Sau này có người hỏi sao hôm đó mọi người cho tiền lại không lấy? Anh bẽn lẽn cười: “Mấy bữa kia thì mình thấy tiền không quan trọng đối với mình. Đối với mình chỉ có vợ con là quan trọng nhất, quan trọng nhất thế giới luôn”. Một câu nói khiến bao nhiêu người xúc động, đặc biệt là những người phụ nữ, những người đang, đã và sẽ làm vợ.

Nhiều người bảo đàn ông yêu vợ con như thế bây giờ ít lắm. Nhưng tôi nghĩ là không ít đâu. Cũng như người đàn ông này, nếu không gặp đoàn từ thiện trên đường và hình ảnh anh khóc xin đi nhờ xe được ghi lại thì nào ai biết có một người đàn ông đã đi bộ cả ngày đường rừng trong nước mắt để về tìm gặp vợ con. Và còn có biết bao nhiêu người chồng, người cha, cam tâm chịu khổ, không ngại vất vả một lòng vì vợ vì con trong cuộc đời này mà ta chưa có cơ hội gặp.

Mạng xã hội phát triển, những hình ảnh tiêu cực chỉ cần xuất hiện là được phát tán lan truyền rộng khắp. Người ta đã quá quen với cảnh chồng đánh vợ không tiếc tay, quá quen với hình ảnh những bà vợ đánh ghen ngoài đường hay đi bắt quả tang chồng trong nhà nghỉ. Người ta đã đọc quá nhiều, nghe và xem quá nhiều về những chuyện ngoại tình, về tham vàng phụ ngãi, về vật chất có thể mua được một cuộc tình, một cuộc hôn nhân. Và người ta đã hồ nghi rằng chẳng còn thứ tình yêu chân thành, đích thực, không vụ lợi nữa. Thật đáng buồn, và cũng thật đáng tiếc. Rốt cuộc, đối với một người đàn ông, vợ con quan trọng đến mức độ nào?

Tôi đã từng đọc một câu chuyện kể về một tiết học ở một trường đại học. Một giáo sư gọi một sinh viên nam lên bảng và nói: Chúng ta hãy cùng chơi một trò chơi để xem ai là người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn? Bạn hãy viết lên tên của hai mươi người gần gũi với bạn nhất. Rồi sau đó, bạn hãy gạch bỏ lần lượt những người mà bạn cho rằng ít quan trọng hơn.

Chàng trai ghi 20 cái tên lên bảng rồi lần lượt gạch đi. Cuối cùng chỉ còn bốn người: Bố, mẹ, vợ và con.

Cả lớp học dần trở nên yên tĩnh, họ cho rằng đây không còn là một trò chơi nữa. Nhưng giáo sư vẫn yêu cầu bạn sinh viên gạch cái tên tiếp theo. Chàng trai ngập ngừng và cuối cùng lựa chọn gạch hai chữ bố mẹ. Sau đó là gạch tên con và bật khóc.

Giáo sư hỏi: Cha mẹ là người đã sinh ra bạn, nuôi dưỡng bạn. Đứa trẻ là con của bạn, là giọt máu của bạn, sao bạn lại chọn từ bỏ? Chẳng phải vợ là người duy nhất bạn có thể thay thế bằng một người khác hay sao?

Chàng trai nói: “Thời gian trôi qua, bố mẹ rồi sẽ rời xa em, con cái lớn lên sẽ có cuộc sống riêng của chúng. Cho đến cuối cùng, người có thể ở lại đồng hành cùng em chỉ có thể là vợ em”.

Mọi sự lựa chọn đúng hay sai đều tùy vào quan điểm cá nhân. Nhưng sẽ thật buồn nếu ai đó nói rằng: Vợ chồng thực chất chỉ là người dưng, như cái áo cái quần, thích thì mặc, không thích thì cởi. Khi chúng ta không coi trọng điều gì thì điều đó không có ý nghĩa, chỉ đơn giản như vậy mà thôi.

Nhiều khi giữa những xô bồ, chúng ta nghĩ rằng tình yêu và sự thủy chung dần dần như một thứ xa xỉ. Chúng ta mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân, vào đàn ông, đàn bà, nhưng lại xúc động khi thấy một người đàn ông xa lạ khóc vì lo cho vợ con. Thì ra, niềm ngưỡng mộ và khát khao về tình yêu cháy bỏng vẫn luôn ở đó, trong trái tim mỗi người, không hề vì những xấu xa của cuộc đời mà biến mất.

Chỉ là chúng ta mải mê với những đam mê, với những khát khao danh vọng bạc tiền và cả những thú vui ích kỉ của bản thân. Nhiều khi quên mất rằng mình còn có một gia đình cần vun vén, còn có những người cần mình quan tâm, chia sẻ, yêu thương. Cho đến khi giông bão tràn về, tai ương ập đến cướp mất những người quan trọng khỏi cuộc đời mình.

Ai cũng nói rằng, vợ chồng đối với nhau ra sao phải đi qua hoạn nạn mới hiểu được tỏ tường. Sẽ có những thời khắc trong đời, người ta nhận ra, tiền bạc hay bất cứ điều gì cũng không còn quan trọng, không có ý nghĩa gì với mình nếu những người mình yêu thương không còn bên cạnh. Nhiều người khi nhận ra điều đó thì đã muộn mất rồi.

Không ít người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho vợ của người đàn ông Trà Leng kia: “Lấy được một người chồng như thế này thì cuộc đời chị xem như không hề uổng phí”.

Hạnh phúc của một người phụ nữ hóa ra chỉ cần có như thế. Đó là một người đàn ông yêu thương mình bằng cả trái tim, có thể vì mình mà băng rừng lội suối vượt qua bão giông để được gặp nhau lúc mưa đã tạnh.

Lê Giang - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đau lòng khi nhận hàng từ thiện là quần áo rách và thực phẩm hết hạn

Trong cuộc sống, có rất nhiều người dân nghèo khổ khi đối mặt với tai nạn, thiên tai, dịch bệnh. Với tinh thần tương thân, tương ái, rất nhiều nhiều địa phương, cơ quan, người dân đã chung tay góp sức ủng hộ tiền và những đồ thiết yếu cuộc sống. Bên cạnh điều tốt đẹp ấy, đâu đó vẫn có tình trạng một số người vô tình hay hữu ý gửi tặng quần áo cũ rách, thực phẩm đã hết hạn sử dụng như thể “dọn rác nhà kho”… làm tổn thương những người dân nghèo.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/tinh-yeu-cua-mot-nguoi-dan-ong-20201108090658267.htm#dt_source=Home&dt_campaign=MainList&dt_medium=19