Tố Tâm: Bước khởi đầu của tiểu thuyết tâm lý Việt Nam

16/01/2025 08:56

Kinhte&Xahoi Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách viết xong 1922, in năm 1925, là một cuốn tiểu thuyết mới đúng như ý đồ và mong muốn của tác giả. Đó là “viết một quyển tiểu thuyết khác hẳn những tiểu thuyết đã có, cả về hình thức lẫn tinh thần”.

Tố Tâm là tác phẩm để đời của Hoàng Ngọc Phách. Ảnh: VnExpress

Mới về đề tài. Truyện về tình yêu “toàn tòng”, “một trăm phần trăm”, không một chút pha tạp. Có nói đến gia đình, hoặc sự nghiệp và nghĩa vụ thì cũng chỉ là làm nền, là điểm xuyết để tôn lên sắc diện và ý vị của tình yêu.

Tình yêu vốn là hoạt động của con tim, là mối quan hệ giữa hai người khác giới. Nó có lời, nhưng là lời chỉ cần được hiểu ở người trong cuộc. Nó còn hiện diện ở ngoài lời, và phần “vô ngôn” này mới thật quan trọng. Nơi “đầu mày cuối mắt”. Nơi diễn biến của nội tâm. Nơi các trạng thái tâm lý... Tố Tâm, do thế xứng đáng được gọi bằng “ái tình tiểu thuyết” là loại sách vào đầu thế kỷ này đã có thể tham gia vào nền kinh tế thị trường và trở thành loại sách “bán chạy” cùng với các loại sách kiếm hiệp, trinh thám, phiêu lưu... Nhưng tác giả lại là nhà giáo, và chủ ý viết Tố Tâm của ông không phải để câu khách. Ông chỉ muốn viết một cuốn tiểu thuyết mới về “hình thức” và “tinh thần”. Cái mới đó ông đi tìm trong hình thức của các tiểu thuyết thuộc trào lưu lãng mạn phương Tây; và về nội dung là sự khai thác phía bề sâu, bề trong của đời sống tinh thần con người.

Cả hai phương diện hình thức và tinh thần như vậy cố nhiên đều mang phẩm chất đúng đắn, nghiêm trang - và hẳn là như thế nên nó được nói đến như là cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên để phân biệt với các loại tiểu thuyết khác như “lịch sử tiểu thuyết”, “phong tục tiểu thuyết”, “xã hội tiểu thuyết”, “luân lý tiểu thuyết”... vốn đã khá thịnh hành vào lúc này.

Để xây dựng một cuốn tiểu thuyết tâm lý, rõ ràng người viết phải có tri thức tâm lý học và một phương pháp khoa học, đồng thời phải có cái vốn đọc văn học phương Tây - và đó chính là cái mới, là ưu thế mà thế hệ người viết tân học Hoàng Ngọc Phách đã có thể mang lại nơi Tố Tâm. Người xác nhận Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên là Lê Hữu Phúc, năm 1922: “Độc giả xem quyển Tố Tâm xin nhớ là một quyển tâm lý tiểu thuyết”. Hơn mười năm sau, Song Vân trên Thanh Nghệ Tĩnh (số 19, tháng 10/1934) khẳng định lại: “Phương pháp viết truyện của ông (tức H.N.P) là một phương pháp khoa học, có trật tự hẳn hoi, có kết quả xác đáng... Ta nên nghiêng mình trước tác giả cuốn văn tâm lý ấy, vì ông đã mở ra một kỷ nguyên mới trong văn giới nước ta về buổi đó”.

Nếu Song Vân có động tác “nghiêng mình” thì Trương Tửu, một năm sau, trên báo Loa (số 25/7/1935) còn tiếp tục “ngả mũ”: “Ông Song An là người đầu tiên dùng Quốc văn viết một quyển tiểu thuyết tâm lý. Thế mà văn ông cũng sáng sủa, lý thú, tao nhã, nhẹ nhàng, thật đáng cho ta ngả mũ chào cung kính”.

Hướng về đời sống tâm lý, Tố Tâm đổi mới hẳn về kết cấu và phương thức miêu tả. Diễn biến truyện không còn theo tuyến tính cũ. Nó lật ngược lại để cho truyện đi theo dòng hồi ức, thành một vòng tròn gặp gỡ giữa kết thúc và mở đầu. Nội dung truyện không có mấy hành động mà chỉ là diễn biến tâm lý của hai người yêu nhau, khao khát đến với nhau, với những trở ngại được hiểu là từ bên ngoài - hai bên gia đình. Cốt truyện với cái kết thúc đã được biết trước, nhưng niềm hứng thú vẫn được nuôi dưỡng theo logic của nội tâm nhân vật, và sự say đắm của hai tâm hồn yêu nhau.

Tình yêu trong Tố Tâm tinh khiết, sâu lắng và đầy triết lý nhân sinh. Ảnh minh họa: Internet

Truyện “không phải chỉ kể sự kiện mà mô tả những tâm hồn” - nói theo Đào Đăng Vỹ. Truyện “về một người con gái và một người con trai yêu nhau - vấn đề muôn thuở (...). Không có gì đặc biệt cả phải không? Nhưng từ cái “không có gì” ấy, tác giả đã viết cho tới một trăm trang thống thiết; cũng với cái “không có gì” ấy tác giả đã làm rung động tất cả những trái tim của thế hệ ông”. Phải chăng, những ai đang yêu đều có thể tìm thấy ít nhiều ở tác phẩm của buổi đầu nền văn xuôi Quốc ngữ này một thứ gương soi, một chỉ dẫn cho nhận biết và xử sự trong trường tình?

Từ Tố Tâm, chỉ ngót mười năm sau sẽ hình thành cả một khuynh hướng mới cho tiểu thuyết theo lối tâm lý ái tình mà Tố Tâm đã mở, với vai trò tiếp nối và phát triển của Tự Lực văn đoàn. Nó không chỉ là sự đoạn tuyệt hẳn với lối viết cũ chi dựa vào sự kiện và cốt truyện, và cốt truyện càng có lắm tình tiết ly kỳ càng tốt, mà cùng khác với tất cả các tiểu thuyết cùng thời hoặc trước đó của các tác giả đã rất được quen biết như Hồ Biểu Chánh, Trọng Khiêm, Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Trọng Thuật... Ngay cả Đặng Trần Phất (1902 - 1929) là người có vốn Tây học, được đào tạo trong nền học Pháp - Việt, và từng viết báo, viết văn bằng tiếng Pháp, thế nhưng hai cuốn tiểu thuyết làm nên sự nghiệp văn chương của ông là Cành hoa điểm tuyết (1921) và Cuộc tang thương (1923) vẫn là viết theo lối cũ. Hai cuốn tiểu thuyết ra đời gần như cùng lúc và cùng thời với Tố Tâm, chủ trương nói “cái buồn, cái thảm, cái khổ" ở đời, nhưng xem ra lại vẫn chưa gây được dư luận, có lẽ vì nó chưa tạo được một xu hướng mới, cũng chưa gợi được một tiếng nói riêng, một dấu ấn riêng trong dòng văn chương phê phán xã hội và giáo hóa đạo lý. 

nguonluc.com.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://nguonluc.com.vn/to-tam-buoc-khoi-dau-cua-tieu-thuyet-tam-ly-viet-nam-a18828.html