Tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị Quyết 29

14/12/2023 15:09

Kinhte&Xahoi Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục.

Ngày 14/12, Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Nhiều tồn tại, hạn chế

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục. Cụ thể, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29 ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo; Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện còn chưa được coi trọng đúng mức.

Việc thể chế hóa Nghị quyết còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về GD&ĐT; Thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho GD&ĐT, chưa thể hiện được quan điểm “GD&ĐT là quốc sách hàng đầu”.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT còn hạn chế; Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực GD&ĐT; Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở GD&ĐT còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về GD-ĐT.

Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các TP lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục Đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục Đại học còn hạn chế.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; Chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Ngoài ra, chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục Đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội; Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhất là nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề mới còn hạn chế.

Theo Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GD&ĐT, nhất là trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc đầu tư cho giáo dục Đại học còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao; Chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục.

Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luật của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị.

Đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo triển khai Nghị quyết 29 

Khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, có vai trò và vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến đưa ra tại hội nghị về những kết quả đạt được cũng như các bấp cập, khó khăn còn tồn tại.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhận thấy, dù khó khăn thế nào thì đầu tư cho giáo dục vẫn phải ưu tiên, đi trước trong đầu tư phát triển. Song song với đầu tư trong Nhà nước thì cần phải thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho lĩnh vực này. Ông Vinh cho rằng, cần phải tiếp tục những bổ sung, hoàn thiện những giải pháp tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục; Giáo dục toàn diện cũng cần phải quan tâm hơn về ứng xử học đường. Trong đó, giá trị văn hóa học đường cần được đặc biệt chú trọng.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Bộ GD&ĐT.

Các đại biểu góp ý kiến trao đổi, đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Bộ GD&ĐT.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đã tạo điều kiện cho giáo dục TP phát huy thế mạnh, đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt là thay đổi nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong 10 năm qua, quy mô, mạng lưới các cấp học tại TP đã được đầu tư phát triển đồng bộ. TP đầu tư kinh phí khá lớn nhằm xây dựng mạng lưới trường học với trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới chiếm khoảng 28% ngân sách chi thường xuyên hàng năm.

Chia sẻ về kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, môi trường giáo dục được từng bước cải thiện, công bằng trong tiếp cận giáo dục các vùng miền, đặc biệt là các địa bàn đặc biệt khó khăn đã được nâng lên. Tỉ lệ huy động tới trường các cấp học đạt kết quả cao; Kết quả công tác phổ cập xóa mù chữ được giữ vững 100% ở các xã, phường, thị trấn; Chất lượng đội ngũ, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Sau 10 năm, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên ở các cấp học, tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên 98%.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Dương Xuân Huyên nhận định, với đặc thù địa bàn biên giới, nhiều điểm lớp ghép, trường lẻ nên ngành giáo dục đào tạo tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thiếu giáo viên, đặc biệt là các môn học mới; thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp… Ông Dương Xuân Huyên đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo triển khai Nghị quyết 29 trong thời gian tiếp theo. Điều này đảm bảo sự liên thông giữa các chính sách, kế hoạch, văn bản đã được ban hành. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo và phát huy được vai trò của đội ngũ tri thức.

Trong 10 năm qua, đối với giáo dục Đại học, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương cho biết, nhận thức của người học, người dạy có những thay đổi tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận đặc biệt là thực hiện tự chủ Đại học, đem lại sức sống mới, động lực phát triển cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện tự chủ còn gặp những bất cập như nhận thức và kỳ vọng của các bên liên quan có sự khác nhau, ột số cơ sở giáo dục Đại học đồng nhất tự chủ Đại học là tự chủ tài chính, thiếu sự quan tâm đến tự chủ học thuật, cơ chế, chính sách về tự chủ chưa thật sự rõ ràng.

 Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/ton-tai-han-che-sau-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-29-d202059.html