Tổng bí thư làm Chủ tịch nước: Không phải vì nhất thể hoá, đây là tình huống

09/10/2018 08:29

Kinhte&Xahoi Tổng bí thư khẳng định, việc TƯ giới thiệu Tổng bí thư để QH bầu làm Chủ tịch nước không phải vì nhất thể hoá, đây là tình huống.

Sáng 8/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, Hà Nội. 

Sự lựa chọn sáng suốt của BCH TƯ

“Tôi và cử tri cả nước rất phấn khởi trước thành công của hội nghị TƯ 8. Đây là hội nghị lịch sử thể hiện sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân trước sự lựa chọn sáng suốt của BCH TƯ khi tiến cử Tổng bí thư để QH bầu làm Chủ tịch nước. BCH TƯ đã giới thiệu Tổng bí thư là người có đủ đức tài, xứng đáng vào vị trí cực kỳ quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế”, cử tri Lê Đức Hạnh, phường Kim Mã, Ba Đình nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Ảnh: Bình Minh

Theo ông, nhân dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và kính mong Tổng bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn. 

Cử tri Ngô Văn Thành, phường Điện Biên cho biết, dư luận rất đồng tình với việc BCH TƯ giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu Chủ tịch nước.

Ông cũng tâm đắc với dự thảo về Quy định nêu gương. Từ quy định này, nhân dân tham gia giám sát nhằm xây dựng Đảng, chính quyền thật sự trong sạch.

Với tư cách một uỷ viên TƯ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ về việc 100% uỷ viên TƯ nhất trí giới thiệu Tổng bí thư để QH bầu Chủ tịch nước.

Theo ông Chung, việc Tổng bí thư của một đảng ra ứng cử chức danh Chủ tịch nước không phải giờ mới đặt ra mà đã có từ lâu. 

Đến nay, với điều kiện khách quan, từ thực tiễn đòi hỏi, việc này phù hợp với cải cách thể chế, có lợi cho Đảng, đất nước, cho quá trình đối ngoại và vị thế của chúng ta trên trường quốc tế.

"Trong quá trình thảo luận, chỉ có một điều các uỷ viên TƯ tâm tư là với việc này, cá nhân Tổng bí thư sẽ gánh vác trọng trách nặng nề hơn. Nhưng chúng tôi tin với sự tín nhiệm cao, với trí tuệ của Tổng bí thư thì QH sẽ đồng thuận, bởi đây là việc thống nhất cao trong Đảng và thuận lòng dân”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh. 

Khuyết chức danh Chủ tịch nước thì phải có người làm ngay

Tổng bí thư cảm ơn các cử tri đồng tình việc TƯ giới thiệu Tổng bí thư để QH bầu làm Chủ tịch nước.

"Liên quan cá nhân tôi thì nói cũng khó nói, nhưng trước đã có thời Bác Hồ vừa là Chủ tịch nước vừa là Chủ tịch Đảng. Đến bây giờ, không phải vì nhất thể hoá, đây là tình huống, không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi rất đột ngột, vì bệnh hiểm nghèo, chữa hàng năm nay nhưng không khỏi, giờ khuyết chức danh này thì phải có người làm ngay", Tổng bí thư chia sẻ.

Ông cũng thông tin thêm, Bộ Chính trị, TƯ thảo luận nhiều phương án nhưng qua quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm, TƯ đã thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư để QH bầu Chủ tịch nước. Đây mới là ý kiến TƯ còn chờ QH bầu hay không.

"Chúng ta không nên nói Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau, kiêm vai nào chính, vai nào phụ thì không chuẩn. Cũng không nên nói nhất thể hoá, có phải nhất thể hoá đâu", Tổng bí thư lưu ý. 

Ông trân trọng cảm ơn các cử tri và "tuỳ thuộc vào kết quả QH bầu rồi lúc ấy hứa hẹn sau".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giải thích lý do BCH TƯ phải ban hành Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, uỷ viên BCH TƯ.

Theo Tổng bí thư, nêu gương thì tất cả cán bộ, đảng viên đều phải làm nhưng trước hết, các lãnh đạo cao nhất phải có trách nhiệm, chứ không phải vì vừa qua có một số lãnh đạo cấp cao hư hỏng nên phải có quy định.

Việc TƯ ban hành quy định lần này chứ không phải chỉ là Bộ Chính trị cho thấy vị trí  của việc nêu gương lớn hơn nhiều, thẩm quyền cao hơn nhiều, tính chất cũng quan trọng hơn nhiều.

Tổng bí thư nhấn mạnh, quy định phải rất chặt chẽ là tất cả cán bộ, nhưng trước hết cán bộ cấp cao phải nêu gương.

Ông cũng lưu ý, không phải tất cả TƯ hay Bộ Chính trị hư hỏng hết, nếu hiểu như vậy thì rất nguy hiểm vì sẽ mất lòng tin. Vì vậy, TƯ cân nhắc từng câu chữ, nhấn mạnh vào trách nhiệm của các lãnh đạo cấp cao phải gương mẫu làm trước.

"Rất mừng là khi thảo luận TƯ thống nhất cao, có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta quy định nói thẳng trách nhiệm của các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban bí thư, uỷ viên TƯ gương mẫu", Tổng bí thư nói.

Xử tham nhũng không phải cốt thật nặng mới là nghiêm

Giải đáp các ý kiến của cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, vừa qua tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng đã được khắc phục rất nhiều, làm đến nơi đến chốn, công khai hết.

Có trường hợp bắt tạm giam trước, cấm trốn đi nước ngoài, cấm được huỷ hoại, phân tán tài sản, xử không phải 1 lần là xong, có khi xử vài năm. Vì có tội này liên quan ông này, tội khác liên quan ông khác.“Nhiều vụ vượt yêu cầu về thời gian như vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xử sớm hơn so với yêu cầu, phải thanh tra, kiểm tra, rồi kiểm tra của Đảng, nên làm thận trọng, kết luận ra không cãi vào đâu được”, Tổng bí thư dẫn chứng.

“Quy trình rất phức tạp, nhưng vừa qua về cơ bản là tốt, đúng yêu cầu”, Tổng bí thư khẳng định.

Ông cũng giải thích cho cử tri hiểu các mức phạt nặng hay nhẹ phải căn cứ vào quy định, đến mức nào thì xử hành chính, mức nào thì hình sự. “Phải cho mọi người tâm phục khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, ta xử không phải cốt thật nặng mới là nghiêm. Răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra mới là tốt, chống cũng là để xây, mục đích của ta là xây cho tốt để đỡ phải chống”.


Theo Vietnamnet/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018

Tăng cường công tác phân tích, dự báo; đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa; triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa được Chính phủ ban hành.