Theo Tướng Cương, để thực hiện mô hình Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước phải rất lưu tâm đến những điều kiện cần và đủ của người được chọn vào vị trí này. Trước hết là các điều kiện tài và đức, sau đó là thông qua trải nghiệm của người được đề cử. Điều thứ hai là thực tiễn trong 2 năm sau Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đưa cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng và suy thoái tư tưởng ở Việt Nam bước sang một giai đoạn mới có tính bước ngoặt.
Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cuộc đấu tranh này đã có bước phát triển mới, củng cố lòng tin của người dân.
Trên cơ sở phân tích các tiêu chuẩn về năng lực và phẩm chất của người lãnh đạo cấp cao, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định, việc TƯ bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chức Chủ tịch nước là hoàn toàn phù hợp. Điều này sẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh PCTN và tha hóa tiến lên, mà cuộc đấu tranh này có thể nói là nóng bỏng nhất hiện nay. Cùng với đó, việc này cũng sẽ thúc đẩy công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết TƯ 4 và các Nghị quyết TƯ 6, 7, 8 khóa XII đề cập.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng chuyện bầu ai làm Chủ tịch nước, ngoài phẩm chất, năng lực của cá nhân còn phải tính đến quan hệ quốc tế. Phải chọn ai cho phù hợp với hoạt động đối ngoại và mang lại hiệu quả cao cho đất nước.
Nói rõ hơn về những lợi ích trong công tác đối ngoại, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Công an cho biết: “Bây giờ đồng chí Tổng Bí thư đi nước ngoài với tư cách là nguyên thủ và cũng là người nắm quyền lực trong Đảng lớn nhất nên rất thuận lợi cho hoạt động đối ngoại. Chúng ta làm như vậy là theo đúng xu hướng thế giới và thuận lợi cho quá trình đối ngoại” - ông Cương lý giải.
Liên quan đến những băn khoăn, lo lắng trong vấn đề kiểm soát quyền lực, Tướng Cương tin tưởng sẽ “không xảy ra chuyện này, thậm chí còn củng cố việc giám sát quyền lực”. Bởi vì, “một trong những nội dung cơ bản của các Nghị quyết TƯ 4, TƯ 6, 7 khóa XII đã nêu rõ quyền lực không được giám sát thì sẽ tha hoá, nên khi người đứng đầu Đảng và Nhà nước là một, đồng thời lại kiêm Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTN thì việc tập trung quyền lực là để tạo thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng” - Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XI, XII: Giúp triển khai các nghị quyết của Đảng một cách quyết liệt, đồng bộ
Vì Đảng lãnh đạo phải thông qua Nhà nước nên khi Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì vai trò của Đảng thống nhất trong Nhà nước. Nghĩa là trong lãnh đạo điều hành sẽ không có sự tách rời giữa Đảng và Nhà nước mà có sự tập trung quyền lực.
Trên thực tế, các nghị quyết của Đảng rất đúng, rất trúng nhưng việc tổ chức triển khai còn yếu kém, chưa kịp thời, bởi vậy dư luận mong muốn nghị quyết của Đảng phải được thực hiện nghiêm túc. Nay Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ giúp công tác triển khai các nghị quyết của Đảng thuận lợi hơn, quyết liệt hơn, đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời, nhất là công tác cán bộ và PCTN hiện nay đang rất nóng bỏng. Khi triển khai nếu có vấn đề bất cập thì sẽ kịp thời phát hiện và điều chỉnh, như vậy sẽ có sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.
Về cá nhân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không chỉ được Ban Chấp hành TƯ Đảng tín nhiệm cao mà còn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, là người rất xứng đáng đại diện không những cho Đảng mà cho Nhà nước. Có thể nói, ông là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực trong thời đại ngày nay, cả về lối sống, quan điểm chỉ đạo, nhất là vấn đề chỉnh đốn Đảng và PCTN đã thu được kết quả làm nhân dân nức lòng.
Chính vì thế, tôi cho rằng việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước sẽ tăng thêm sức mạnh để đạt được những kết quả cao hơn và điều đó cũng là động lực giúp cho việc đưa các nghị quyết của Đảng - trong đó có nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN- đi vào cuộc sống tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chí Dũng, giảng viên cao cấp - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Tôi cho rằng việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay. Vì chúng ta phải tập trung quyền lực để giải quyết rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra.
Công tác đấu tranh PCTN, chúng ta đã nói rất nhiều nhưng việc này do nhiều yếu tố - cả do cơ chế - nên thực hiện khó khăn. Nhưng khi một người đảm nhận hai vai sẽ giúp cho chúng ta có cơ chế để thực hiện thống nhất, đồng bộ, tập trung và giải quyết được việc. Để đấu tranh PCTN hiệu quả thì chúng ta không chỉ tập trung quyền lực vào một chỗ mà quan trọng nhất là làm sao có một định hướng để thực hiện vấn đề đó, trong khi định hướng này lại liên quan đến toàn bộ vấn đề về đường lối, chiến lược, tư tưởng và tổ chức thực hiện. Theo tôi, điều này rất quan trọng”.
|
Theo Phapluatplus