Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: AFP
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo thường kỳ ở Geneva dưới hình thức trực tuyến, khi ông được đề nghị bình luận về làn sóng bùng phát mới của virus SARS-CoV-2 hiện nay ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới nhận xét hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy đại dịch đang thuyên giảm, với việc thế giới ghi nhận tới trên 400.000 mắc bệnh mới trong tuần qua.
WHO cũng xác nhận thông tin Tổng Giám đốc Tedros và nhóm chuyên gia của tổ chức này sẽ tới Trung Quốc vào cuối tuần để tìm hiểu về nguồn gốc của chủng virus SARS-CoV-2. Đó sẽ là chuyến đi thứ 3 của các quan chức, chuyên viên WHO tới thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi khởi phát đại dịch hồi cuối năm 2019.
Ông Tedros cho hay WHO cũng đang tiến hành đánh giá nguy cơ virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua không khí. Theo người đứng đầu WHO, “ngày càng có nhiều bằng chứng virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua không khí, song vẫn chưa thể kết luận”.
Tại cuộc họp báo, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về đại dịch COVID-19 Maria Van Kerkhove, xác nhận “có thêm bằng chứng về nguy cơ lây lan qua không khí của virus SARS-CoV-2", sau khi một nhóm khoa học hối thúc WHO cập nhật hướng dẫn của tổ chức này về cách dịch bệnh này lây giữa người sang người.
Bà Maria Van Kerkhove nêu rõ: “Chúng tôi đang thảo luận về khả năng lây lan qua không khí của virus SARS-CoV-2 và lây nhiễm giọt bắn là một trong các kiểu của lây nhiễm dịch bệnh COVID-19”.
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ, ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ngày 6/7, báo New York Times của Mỹ đưa tin gần 240 nhà khoa học từ 32 quốc gia lên tiếng kêu gọi WHO công nhận việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lây lan.
WHO trước đây cho rằng virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu qua những giọt bắn thoát ra từ đường hô hấp của bệnh nhân khi ho, hắt hơi hoặc khi giao tiếp và rơi xuống bề mặt nào đó. Song theo các nhà khoa học, các bằng chứng hiện cho thấy rằng chủng virus này có thể lây lan qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ tồn tại trong không khí bên trong nhà hay phòng kín.
Các tác giả của bài báo lưu ý rằng nếu lây truyền qua không khí thực sự là một yếu tố lây lan đáng kể, thì sẽ đưa phải ra một loạt biện pháp mới để ngăn chặn virus SARS-CoV-2, bao gồm đeo khẩu trang trong phòng thậm chí ngay khi đã duy trì giãn cách xã hội, các nhân viên y tế cần đeo khẩu trang đặc biệt có thể chặn được các hạt siêu nhỏ và sử dụng hệ thống thông gió ở những nơi công cộng, cũng như loại đèn cực tím có khả năng tiêu diệt các phần tử virus.
Ảnh minh họa
Ngày 4/7, WHO đã hối thúc các nước ảnh hưởng đại dịch COVID-19 phải tỉnh táo, nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm và diễn biến thực tế của dịch bệnh để từ đó kiểm soát được đại dịch.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO, ông Michael Ryan nêu rõ người dân cần nhận thức đúng về dịch bệnh. Các số liệu không thể nói dối và tình hình thực tế dịch bệnh là hết sức rõ ràng. Ông nhấn mạnh điều đáng quan ngại là hiện có quá nhiều nước phớt lờ các dữ liệu thực tế.
Quan chức WHO chia sẻ chính phủ các nước hoàn toàn có lý do chính đáng để từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từng bước vận hành trở lại nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hoạt động này cần được thực hiện song song với đảm bảo an toàn dịch tễ, đảm bảo giãn cách xã hội để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan.
Theo ông Ryan, dịch bệnh COVID-19 không thể biến mất một cách thần kỳ và nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát với số bệnh nhân tăng mạnh là điều tất yếu. Khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info tính tới hết ngày 7/7 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhân 11.840.015 ca mắc COVID-19, trong đó có 543.410 bệnh nhân tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về cả tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong vì đại dịch.
Thanh Tuấn