Theo rà soát của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hết năm 2023, cả nước có 310 cảng thủy (202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách và 97 cảng chuyên dùng), trong đó trên đường thủy quốc gia có 274 cảng, tuyến địa phương có 36 cảng.
Tổng số bến thủy trên toàn quốc là 6.062 bến (3.114 bến trên tuyến quốc gia, 1.667 bến trên tuyến địa phương), trong đó 1.271 bến hoạt động không có giấy phép (tuyến quốc gia có 959 bến, tuyến địa phương có 315 bến).
Nguyên nhân số cảng, bến không phép vẫn đang gia tăng là do các địa phương điều chỉnh quy hoạch đường thủy nội địa, nên nhiều bến không còn được gia hạn giấy phép hoạt động và nhiều địa phương chưa lập, phê duyệt quy hoạch dẫn đến nhiều bến mở tự phát.
Tổng kiểm tra bến thủy nội địa hoạt động không phép từ 1/7. (Ảnh: Đình Quyết)
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, việc các bến thủy hoạt động không phép hoặc hết hạn hoạt động nằm đan xen với các bến đã được cấp phép khiến phương tiện thủy vào, rời các bến không phép không được kiểm tra, kiểm soát, nộp phí như phương tiện hoạt động tại bến có phép, nguy cơ mất ATGT.
Qua đó, Cục Đường thủy nội địa đã đề xuất Bộ GTVT ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý đường thủy nội địa theo hướng UBND cấp tỉnh chủ trì, tổ chức giải tỏa, cưỡng chế, giám sát các cảng, bến, khu neo đậu không đủ điều kiện hoạt động hoặc theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước.
Được biết, kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường thủy quốc gia, địa phương thực hiện từ 1/7 - 31/12/2024 tới nhằm đánh giá hiện trạng của hệ thống cảng, bến thủy, khu neo đậu phương tiện thủy, nhất là cảng, bến thủy không có giấy phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, an toàn công trình, làm cơ sở thực hiện các giải pháp siết chặt quản lý cảng, bến thủy thời gian tới.
Châu Anh - Pháp luật Plus