TP HCM: Sớm hoàn tất chi hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19

31/12/2022 09:45

Kinhte&Xahoi Ngày 30/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã có cuộc giám sát về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tổng nguồn lực chống dịch hơn 12.750 tỉ đồng

Báo cáo với Đoàn giám sát, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, từ năm 2020 đến 30/10/2022, tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của Sở Y tế là hơn 12.750 tỉ đồng.

Trong đó các khoản kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế trên 3.461 tỉ đồng; cấp cho điều trị COVID-19 trên 133 tỉ đồng; cấp để xét nghiệm 1.577 tỉ đồng; kinh phí thực hiện cách ly y tế tập trung 341 tỉ đồng; chi chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch 324 tỉ đồng; công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch 2.420 tỉ đồng…

Về huy động các nguồn lực xã hội, theo số liệu của Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19, TP HCM đã thu, tiếp nhận của hơn 10.800 đơn vị ủng hộ với tổng số tiền hơn 5.908 tỉ đồng. Trong đó có hơn 1.237 tỉ đồng tiền mặt và chuyển khoản. Hàng hóa, nhu yếu phẩm được ủng hộ trị giá tương đương hơn 339 tỉ đồng.

Ngoài ra, ngành Y tế TP HCM còn quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật quy đổi tương đương tiền như: trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu và kinh phí khác 1.871 tỉ đồng.

Các phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế mà TP HCM nhận ủng hộ trị giá hơn 3.190 tỉ đồng, bao gồm hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy theo dõi bệnh nhân, đồ bảo hộ, kit test COVID-19… TP HCM cũng được ủng hộ hơn 318 tỷ đồng kinh phí mua vaccine, hơn 2,7 triệu túi an sinh tương đương hơn 821 tỷ đồng.

Giá mua sắm là giá rẻ nhất

Sở Y tế TP HCM cho biết, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn: hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh, giãn cách xã hội, đi lại phức tạp… Đáng chú ý, vì khó khăn trong việc thực hiện các văn bản quy định về mua sắm, dẫn đến việc chậm, muộn hoặc có những trang thiết bị không thể mua được.

Mặc dù vậy, trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp, Sở Y tế TP HCM cũng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, làm đúng quy trình khi mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch để sau này phục vụ thanh tra, kiểm toán.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), việc mua hàng trong thời điểm chống dịch COVID-19 không phải lúc nào cũng có được, nhưng phải đảm bảo 24 giờ phải có để chống dịch.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng khẳng định, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư khi dịch COVID-19 bùng phát là đúng quy trình, giá rẻ hơn so với các thời điểm khác.

Việc mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19 hầu hết theo phương án chỉ định thầu rút gọn, căn cứ trên năng lực của các nhà cung cấp. Việc mua sắm này theo đúng quy định và giá vào thời điểm đó là “thấp nhất so với tất cả thời điểm khác”. Ngoài ra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế căn cứ vào Thông tư 14 của Bộ Y tế.

“Chúng tôi khẳng định giá mua trang thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của Sở Y tế và các cơ sở y tế trực thuộc là rẻ nhất so với thời gian trước dịch, trong dịch và cả sau dịch”, bác sĩ Nam khẳng định và cho rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch COVID-19 tại TP HCM có dấu hiệu sai phạm cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và trên tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Về nguồn nhân lực tham gia chống dịch được huy động tại TP HCM, có hơn 43.700 người từ các đơn vị y tế công lập, y tế tư nhân và giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, trong năm 2021 khi tình hình dịch căng thẳng, có 163 đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế các tỉnh, thành và các trường cao đẳng, đại học các tỉnh, thành đến hỗ trợ TP HCM, với tổng nhân lực hơn 27.500 người.

Tuy nhiên cũng theo Sở Y tế TP HCM, có nhiều lực lượng thực tế tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa được quy định chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, như: Lực lượng đi tuần tra kiểm soát trong thời gian thực hiện cách ly xã hội; lực lượng tham gia công việc đảm bảo an sinh cho người dân; lực lượng đi kiểm tra giám sát công tác phòng dịch; lực lượng tài chính, hậu cần, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19… Do đó, mong mỏi hiện nay là TP HCM cần nhanh chóng hoàn thành chi hỗ trợ trước Tết Nguyên đán 2023 để nhân viên y tế yên tâm công tác.

Trước những tồn tại trên, Sở Y tế TP HCM nêu thực trạng ban lãnh đạo các bệnh viện lớn ở TP HCM đều lo lắng, sợ bị quy kết sử dụng lãng phí tài sản công, hay đã làm đúng quy trình vẫn “có dấu hiệu vi phạm”… nên kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết số 30/2021/QH15.

TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định, nghị quyết hướng dẫn giải quyết các khó khăn trong giai đoạn hiện nay về công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc nhằm hạn chế rủi ro, sai sót và tránh tâm lý hoang mang, lo lắng của những người thực hiện…

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 cấp bách và cần thiết, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch gặp nhiều khó khăn, do đó, cần xem xét các yếu tố khách quan. Sắp tới, Quốc hội sẽ họp để đánh giá Nghị quyết số 30/2021/QH15, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sẽ thu thập ý kiến để kiến nghị với Quốc hội về vấn đề này.

Liên quan đến việc nhiều người chưa nhận được phụ cấp chống dịch, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, việc chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần được hoàn tất sớm, nhằm đảm bảo hiệu quả chính sách nhân văn của Nhà nước; Sở Y tế, Sở Tài chính tập trung hướng dẫn các đơn vị việc thanh quyết toán chống dịch, kinh phí tạm ứng còn nợ, chi chính sách hỗ trợ phụ cấp chống dịch càng sớm càng tốt.

Yến Nhi - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đánh giá, cải thiện chỉ số chuyển đổi số thành phố Hà Nội

Sáng 30/12, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức Hội thảo đánh giá, cải thiện chỉ số chuyển đổi số thành phố Hà Nội. Tham dự hội thảo có đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), đại diện UBND Thành phố cùng các sở, ngành Thành phố.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/tp-hcm-som-hoan-tat-chi-ho-tro-doi-tuong-bi-anh-huong-boi-covid-19-d188584.html