Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết hiện tại TP Hồ Chí Minh đang thiếu nhiều loại vaccine.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 77,3%, tuy nhiên mục tiêu của chương trình phải đạt 95%. Đối với trẻ tiêm mũi nhắc lại 18 tháng cũng không đạt. Cụ thể, số trẻ tiêm sởi chỉ đạt tỉ lệ 78,8%, trong khi quy định phải đạt 95% và DPT4 mục tiêu là phải đạt 85%, nhưng tỷ lệ tiêm chỉ đạt 70,5%.
Về tình hình vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện thành phố đã hết hoàn toàn vắc xin 5 trong 1 và vắc xin DPT. Bên cạnh đó, các loại vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ còn số lượng rất hạn chế và dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.
Cụ thể, đến cuối tháng 5/2023, thành phố sẽ hết các loại vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6/2023, sẽ hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7/2023 sẽ hết vaccine bại liệt (bOPV) và sởi; đến tháng 8/2023 sẽ hết vaccine uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9/2023 sẽ hết vaccine sởi và rubella (MR).
Sở Y tế TP HCM cho rằng, tình trạng gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như hiện nay tại tành phố là bất khả kháng. Vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Để tạo được sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ, vaccine cần phải được tiêm đúng lịch và đủ liều. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn thì trẻ cần phải được tiêm bù sớm nhất khi có thể.
Theo đó, Sở Y tế TP HCM rất mong Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương sớm cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình mở rộng.
Hồng Ngọc - Pháp luật Plus