TP Hồ Chí Minh: 47 năm niềm tin chiến thắng và khát vọng vươn lên tầm cao mới

30/04/2022 08:46

Kinhte&Xahoi Sau 47 năm ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vững tự tin chiến thắng mọi gian khó, tạo nội lực và nền tảng vững chắc cho sự phát triển của khu vực và cả nước. Đặc biệt, kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức cao và xứng đáng là thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, qua đó luôn khát vọng vươn lên tầm cao mới.

Một góc TP Hồ Chí Minh ngày nay

Năng động, sáng tạo, nghĩa tình

 Ngày 2/7/1976, TP Sài Gòn - Gia Định chính thức được mang tên Bác - TP Hồ Chí Minh. Và sau 47 năm giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Nền tảng và động lực cho những thành công của TP Hồ Chí Minh trong hơn 4 thập kỷ qua là từ những phẩm chất nội tại của con người thành phố luôn yêu nước, đoàn kết, tự tin, vượt khó, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình.

Suốt những năm qua (trừ 2021 do đại dịch), TP Hồ Chí Minh luôn vượt qua những khó khăn, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, bởi dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng thành phố đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27%. Cùng với đó, trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã thực hiện rất nhiều công trình phục vụ dân sinh rất ý nghĩa và tầm cỡ. Nhiều công trình mang tính biểu tượng đã hình thành, khẳng định tầm vóc của thành phố, tiêu biểu như hầm vượt sông Sài Gòn, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đại lộ Phạm Văn Đồng, các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh kết nối các tỉnh miền Đông - Tây Nam Bộ, cải tạo thành công tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, những tòa nhà Landmark 81, tòa tháp Bitexco, đến hàng loạt các khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc, Hiệp Phước... đã tạo nên diện mạo mới, khang trang, hiện đại cho thành phố.

Trong công tác an sinh, thành phố đã có nhiều phát kiến, sau đó được nhân rộng ra cả nước, như phong trào đền ơn đáp nghĩa; Xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa… Tháng 2/1992, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình “Xóa đói giảm nghèo”, với mục tiêu đến ngày 30/4/1995 thành phố sẽ xóa được hộ đói và chống tái đói. Đến cuối năm 2018, thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm”. Đến cuối năm 2020, thành phố hoàn thành mục tiêu “Cơ bản không còn hộ nghèo” theo chuẩn nghèo thành phố.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) về đêm

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, hoạt động nổi bật trong nhiều năm qua của thành phố là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, người dân thành phố không chỉ đóng góp để xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa, tình thương; Chăm lo vật chất cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách, người có công; Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên còn phân công hội viên, đoàn viên thường xuyên chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng neo đơn, gia đình liệt sỹ, thương binh khó khăn.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm của dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào, đùm bọc lẫn nhau của người dân thành phố đã được phát huy. “Những phong trào đoàn kết toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ người bị cách ly, người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn… là những việc làm sáng tạo, mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình của Nhân dân TP Hồ Chí Minh và cả nước, góp phần quan trọng cùng chính quyền thành phố chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân”, đồng chí Tô Thị Bích Châu cho biết thêm.

Chiến thắng, phục hồi và phát triển

 Năm 2021, TP Hồ Chí Minh phải kiên cường chiến đấu với đại dịch COVID-19, do đó tăng trưởng kinh tế thành phố giảm, âm đến 6,78% - đây được xem là mức suy giảm chưa từng xảy ra trong 35 năm qua của thành phố. Tuy nhiên, trong bóng tối của đại dịch, TP Hồ Chí Minh vẫn phát huy tinh thần “Thành đồng tổ quốc”, “Thành phố anh hùng” bất khuất vượt qua; Kinh tế - xã hội từng bước phục hồi, phát triển với nhiều điểm sáng tích cực. Cụ thể, trong quý I/2022, kinh tế thành phố ghi nhận mức tăng trưởng GRDP đạt 1,88% so với mức -11,6% của quý 4/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước.

Công nhân các doanh nghiệp đang miệt mài sản xuất, góp phần đưa TP Hồ Chí Minh phục hồi và phát triển

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, từ mức giảm sâu ở quý III, IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay, kinh tế thành phố đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh doanh khá tốt, trong đó các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách đạt kết quả rất khả quan. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 1/2022 đạt cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung ước đạt 282.975 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ; Trong đó có 9.150 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, 17.335 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 137.044 tỷ đồng, tăng 16,26% so với cùng kỳ.

“Trên 98% các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất; Lưu thông hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy; Các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thêm.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai xây dựng 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm với 44 chương trình, đề án thành phần thuộc các lĩnh vực, như đổi mới mạnh mẽ về quản lý; Đột phá phát triển hạ tầng; Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, các sản phẩm chủ lực; Phát triển nguồn nhân lực và các giá trị văn hóa… Qua đó, xây dựng hạ tầng đồng bộ cho sự bứt phá của thành phố trong tương lai.

Kinh tế số - động lực vươn tầm cao mới

 Cũng như nền kinh tế thế giới nói chung, trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, kinh tế số là động lực phát triển. Cũng như thế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: Chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại một cuộc họp

“Chúng ta thường nói trong nguy có cơ và đây là cơ hội để TP Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của thành phố, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.

“Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Tương tự, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Chính phủ đã sớm đề ra: Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đang trong quá trình triển khai tích cực. Đối với TP Hồ Chí Minh, từ thực tiễn kinh tế - xã hội, vị trí, vai trò của mình và trên cơ sở chính sách chung của Trung ương đã và đang tập trung triển khai Chương trình chuyển đổi số của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn chương trình này với 6 chương trình đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

“Thành phố đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025: TP Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

 Nguyên Pháp - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khơi dậy tinh thần chiến thắng 30/4, thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển đất nước

47 năm trôi qua nhưng đại thắng mùa Xuân 1975 luôn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam với niềm tự hào thiêng liêng. Có thể khẳng định rằng, sức mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại ấy chính là sức mạnh của ý chí của con người Việt Nam, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và khát vọng hòa bình, đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc ta.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tp-ho-chi-minh-47-nam-niem-tin-chien-thang-va-khat-vong-vuon-len-tam-cao-moi-195304.html