Trong ngày 9/7, bức ảnh này được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, ở khắp các diễn đàn, trang cá nhân của nhiều người. Bối cảnh là một lớp học tiểu học, tất cả học sinh trong lớp đều giơ giấy khen, chỉ duy nhất cậu học trò ngồi đầu bàn là không có giấy khen trong tay.
Trong khi tất cả các bạn giơ giấy khen lên, có thể là để chụp hình, cậu học trò trở nên "nổi bật" một cách nhỏ bé và lẻ loi. Theo góc ảnh thì người chụp đứng hướng trên bục giảng nhìn xuống quang cảnh.
Bức ảnh đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. (Ảnh đã được làm mờ gương mặt học sinh so với bản gốc)
Hiện tại, chưa xác minh được nguồn gốc bức ảnh chụp ở trường nào, lớp nào, địa phương nào. Cũng chưa thể khẳng định, em học sinh không được giấy khen hay đây liệu có phải là hình ảnh được cắt ghép.
Nhưng từ bức ảnh, phơi bày nhiều vấn đề trong giáo dục như về bệnh thành tích, hình thức ở trong trường học. Thành tích, hình thức ở đây hoàn toàn không phải vì học sinh.
Chuyện phần lớn học sinh trong lớp toàn giỏi, toàn được giấy khen, trường lớp toàn tỷ lệ giỏi, xuất sắc chót vót không phải là chuyện lạ trong giáo dục nhiều năm qua. Đến mức đã có trường hợp ở Vũng Tàu, người thân lên tiếng phản đối vì con cháu mình nói chuyện không thành câu mà đi học vẫn xếp loại giỏi.
Nhưng ở bức ảnh này, điều đau nhói hơn là sự vô cảm. Khi giáo viên để một em học trò tiểu học lẻ loi giữa một rừng.. giấy khen, và rồi khoảnh khắc đó còn được chụp ảnh lại, đăng tải lên.
Việc em không được nhận giấy khen, chưa hẳn là điều gì ghê gớm, chẳng hề quyết định đến con đường sau này của em. Nhưng với một học trò nhỏ, bối cảnh đó, cảm xúc của em, rồi cách giáo viên đã thiếu nhân văn khi tung hô tập thể... cũng thật xót xa.
Nếu bức ảnh trên là có thật, cả lớp được giấy khen, mình em không có, nhiều người mong bố mẹ em sẽ biết cách nói chuyện với em. Nói để em hiểu về sự khác biệt; nói để em biết con có những thế mạnh khác không ở những lĩnh vực, tiêu chí của giáo viên, của trường; hay nói để con biết chúng ta không sống vì những tờ giấy khen, không phải lúc nào cũng chờ vào lời khen ngợi...
Cũng có ý kiến ngờ vực có thể đây là hình ảnh ghép và nhiều người cũng mong là ảnh ghép, dù rằng câu chuyện không phải là hiếm trong ngành. "Tôi vẫn mong rằng đây không phải hình ảnh thật. Nếu hình ảnh thật thì quá đau lòng!", một phụ huynh bày tỏ.
Sau khi xem bức ảnh này, PGS. TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã bị sốc và viết một lá thư ngỏ gửi em học sinh này.
Thầy viết:
Em học sinh KHÔNG được giấy khen yêu quý,
Khi xem bức ảnh này, thầy thực sự bị sốc. Thầy buồn không phải vì em không được giấy khen mà vì người chụp ảnh, vì nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi (theo đúng nghĩa thực chất). Với tình cảm và trách nhiệm của một người làm giáo dục, thầy viết thư ngỏ này cho em.
Thầy mong em đừng buồn vì không được giấy khen. Đối với thầy, tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Những bạn được giấy khen không hẳn thông minh hơn em. Cuộc sống cho thấy, những người được nhiều giấy khen hồi học phổ thông chưa bảo đảm trong tương lai sẽ thành công hơn những người không được giấy khen. Hồi đi học, thầy cũng ít khi được giấy khen.
Em đừng so sánh mình với những bạn được giấy khen. Các bạn đó hơn em ở kết quả học tập, nhưng có thể thua em ở lĩnh vực khác. Nếu em tặng cho các bạn đó cái bắt tay, cái ôm chúc mừng chân tình thì thật tuyệt. Em hãy nói, năm học tới tớ sẽ cố gắng và các bạn giúp tớ nhé. Không được giấy khen năm học này, nếu tự tin và cố gắng trong năm học mới, em sẽ thành công!
Con người ta ai cũng thông minh em ạ. Thầy tin rằng, em cũng thông minh. Điều quan trọng là hãy tự nhìn lại năm học qua để thấy bản thân mình đã cố gắng học tập chưa, đã gặp những khó khăn gì và khi gặp khó khăn đã biết hỏi thầy, hỏi bạn, hỏi cha mẹ chưa... Thầy nghĩ, chẳng qua, trong năm học qua, có thể bản thân em chưa cố gắng đúng mức và thầy cô, cha mẹ chưa giúp được em phát triển trí thông minh.
Thầy chúc em năm học tới sẽ được học với thầy cô có tâm và chuyên môn giỏi - đó điều may mắn trong cuộc đời mà không phải ai cũng có được. Em hãy mạnh dạn chia sẻ hoàn cảnh, sở thích, ý kiến của mình để thầy cô hiểu em. Hãy chăm chỉ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập, mạnh dạn phát biểu không sợ sai, dám nói điều mình nghĩ với thầy cô, với bạn, tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường, lớp tổ chức.
Thầy không biết hoàn cảnh gia đình em nhưng có lẽ điều đó ảnh hưởng nhiều đến thành tích học tập của em. Em hãy nói để cha mẹ dành nhiều thời gian hơn quan tâm đến việc học của em - mua đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, nhắc nhở, động viên, hỏi han việc học tập, mua sách cho con đọc... Em cũng nên nói với cha mẹ rằng, cha mẹ đừng buồn phiền, lo lắng khi em không có giấy khen. Hãy hứa với cha mẹ em sẽ cố gắng học tập tốt, nhưng không phải vì tờ giấy khen.
Thầy chúc em học tập, rèn luyện tốt trong năm học mới!
Yêu và tin em!
Hoài Nam