Tranh cãi về “Trường quốc tế”

12/08/2019 15:33

Kinhte&Xahoi Sau vụ một học sinh lớp 1 của Trường phổ thông Gateway tử vong vì bị để quên trên xe ô tô, một loạt vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục đã được đặt ra. Trong đó, tiêu chí về “trường quốc tế” là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất khi danh xưng này đang được sử dụng khá phổ biến.

Điểm nhấn của sự việc này xuất phát từ ý kiến của Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy cho rằng, trên địa bàn quận này không có “trường quốc tế” mà chỉ có Trường tiểu học Gateway, gián tiếp khẳng định trường Gateway không phải là trường quốc tế. Phát ngôn của một quan chức quản lý giáo dục ngay lập tức nhận được quan tâm của dư luận trong bối cảnh trên địa bàn thành phố có rất nhiều cơ sở giáo dục có tên là trường quốc tế. Quan điểm không rõ ràng của vị quan chức giáo dục này đã thổi lên cuộc tranh luận về "trường quốc tế".

“Trường quốc tế” đã xuất hiện ở Hà Nội từ khá lâu, gắn liền với việc dạy học cho các con em cán bộ ngoại giao của các nước đến làm việc tại Việt Nam, điển hình là Trường quốc tế liên hiệp quốc Hà Nội (UNIS). Trường UNIS là trường được thành lập bởi sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam, ưu tiên cho những học sinh có người thân làm việc cho UNDP, làm việc trong ngành ngoại giao và các gia đình người nước ngoài. 

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, có rất nhiều gia đình có điều kiện khá giả đã gửi con em ra nước ngoài để học tập phổ thông nhằm thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển. Điều này không chỉ tốn kém về tài chính mà còn khó khăn cho việc chăm sóc học sinh. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã thành lập và xây dựng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài để phục vụ học sinh là con em của các gia đình có điều kiện. Từ đó, nhiều ngôi trường có danh xưng “quốc tế” đã ra đời.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngoài Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, có rất nhiều các cơ sở giáo dục khác có gắn tên “trường quốc tế”, có thể kể đến là Trường quốc tế Nhật Bản (JIS) tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; Trường phổ thông quốc tế Việt Nam (VIS) tại phường Dương Nội, quận Hà Đông; Trường quốc tế Hà Nội (HIS) tại quận Ba Đình; Trường song ngữ quốc tế Hà Nội Acadamy (quận Tây Hồ), Trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Úc Hà Nội (quận Nam Từ Liêm), Trường quốc tế Global, Trường quốc tế ParkCty (ISPH)… Thậm chí, các trường cao đẳng, dạy nghề cũng gắn chữ “quốc tế” như Trường cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh.

Buổi học thể thao của học sinh Trường quốc tế Global (ảnh từ website của Trường)

Sau sự việc một học sinh của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway tử vong do bị để quên trên xe đưa đón học sinh, không chỉ Trường Gateway đã bị “ném đá” vì danh xưng “quốc tế”. Nhiều ý kiến cho rằng, không ai công nhận hay cấp phép cho các trường sử dụng danh xưng “trường quốc tế”. Cũng vì điều này nên sau sự cố tại Trường Gateway, nhiều cơ sở giáo dục khác cũng bị vạ lây bởi dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận được tạo ra bởi “cộng đồng mạng”.

Câu hỏi đặt ra là, việc đặt tên “trường quốc tế” cho một cơ sở giáo dục phổ thông dựa trên tiêu chí nào và có phải xin phép hay không? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật TNHH Bross và Cộng sự, đồng thời cũng là phụ huynh đang có con theo học tai một “trường quốc tế” trên địa bàn TP Hà Nội.

Thưa Luật sư Nguyễn Hồng Bách, “trường quốc tế” là danh từ được nhiều cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng. Trước hết xin được hỏi ông, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, “trường quốc tế” được quy định như thế nào?

Về vấn đề này, tôi cho rằng danh từ “trường quốc tế” không phải một thuật ngữ pháp lý, mà danh từ này được sử dụng để chỉ dẫn về thương hiệu của cơ sở giáo dục, khẳng định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục. Vì, trong văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất về giáo dục là Luật Giáo dục đều không có quy định về “trường quốc tế” như là một loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông; cũng không có quy định nào xác định tiêu chí thế nào là trường quốc tế.

Do vậy, tên “trường quốc tế” là cách đặt tên của một cơ sở giáo dục dựa trên những yếu tố cơ bản liên quan đến cơ sở giáo dục đó, như: người học, người dạy, chương trình học, tiêu chuẩn và chất lượng dạy học cũng như tiêu chuẩn quản lý giáo dục của cơ sở đó.

Do pháp luật chưa có quy định hay tiêu chí về trường quốc tế, theo ông thì hiểu thế nào là “trường quốc tế”?

Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai mô hình “trường quốc tế”.

Mô hình thứ nhất là các trường học theo chương trình học áp dụng cho nhiều quốc gia của một hệ thống giáo dục, được thành lập để dạy học cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Mô hình trường này đáp ứng nhu cầu học tập của con em các nhà ngoại giao phải di chuyển và cư trú trên nhiều quốc gia khác nhau.

Mô hình thứ hai là các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong dạy và học, với các đặc trưng sau: thứ nhất là về người học thì học sinh có thể có nhiều quốc tịch khác nhau; thứ hai là về giáo viên, trường có giáo viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau; thứ ba là về chương trình học, học sinh được học môn học đạt chuẩn do các trường quốc tế công nhận, theo chương trình hợp tác, liên kết giữa các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài; và thứ tư là đáp ứng các tiêu chuẩn, chuẩn mực về quản lý giáo dục, chăm sóc học sinh theo tiêu chuẩn của các trường quốc tế trong và đang thực hiện.

Trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Úc Hà Nội nhận chứng nhận đối tác của Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge, Vương quốc Anh

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có một số cơ sở giáo dục có các tiêu chí này. Chẳng hạn như trường hợp của Trường phổ thông quốc tế liên cấp Việt Úc Hà Nội, là cơ sở giáo dục được Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge công nhận là Trường đối tác của Hội đồng khảo thí tiếng Anh, Đại học Cambridge và cấp mã số riêng. Cơ sở giáo dục này dạy tiếng Anh cho học sinh với tính chất là ngôn ngữ thứ nhất; dạy một số môn học phổ biến ở nước ngoài và có đến gần 30 giáo viên đến từ các nước trong khối Liên hiệp Anh.

Như vậy, như tôi đã nói ở trên, danh từ “trường quốc tế” đang được sử dụng để mô tả những tiêu chuẩn giáo dục căn bản của mình và việc sử dụng danh từ này là phù hợp với thực tế.

Sau sự cố xảy ra tại Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, một số ý kiến cho rằng, việc đặt tên trường có gắn với chữ “quốc tế” khi không được cơ quan nhà nước công nhận là không đúng pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa Luật sư?

Tên trường cũng giống như tên doanh nghiệp phải được đặt tên không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, trước tên trường phải có yếu tố gắn liền với cấp học như “tiểu học”, “trung học cơ sở” “trung học phổ thông”. Ngoài ra, các thành phần khác trong tên trường là tùy nghi. Do đó, các cơ sở giáo dục có sử dụng danh từ “quốc tế” trong tên trường không phải xin phép riêng, nên không thể coi việc sử dụng tên trường như thế là trái pháp luật.

Còn việc sử dụng danh từ “trường quốc tế” nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng về chương trình học, giáo viên, tiêu chuẩn quản trị trường ở chuẩn mực cao, được công nhận bởi hệ thống giáo dục có uy tín trên thế giới thì cũng không bị coi là “vi phạm pháp luật” mà đó là vấn đề uy tín với khách hàng, với người học; sẽ bị đánh giá tiêu cực dưới góc độ uy tín, đạo đức và trách nhiệm dân sự với khách hàng.

Thầy và trò Trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Úc Hà Nội trong một buổi sinh hoạt chung

Theo Luật sư, việc đặt tên “trường quốc tế” của một số cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay có phù hợp với thực tế phát triển của các cơ sở giáo dục phổ thông hay không?

Như tôi đã nói ở trên, tên một cơ sở giáo dục là một danh từ định danh mà chủ cơ sở giáo dục đó muốn gửi thông điệp để cho công chúng hiểu rõ hơn về các vấn đề như mục tiêu giáo dục, chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục đó. Ở góc độ này có thể hiểu, tên trường mang bản chất thương hiệu dịch vụ chứ không mang bản chất pháp lý về loại hình giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Trước đây, ở Hà Nội có ít, thậm chí chỉ có 1 trường quốc tế gắn liền với việc chăm sóc và dạy học cho con em các nhà ngoại giao và người nước ngoài ở Thủ đô. Do vậy, trường quốc tế được hiểu là trường dành cho học sinh đến từ nhiều quốc gia; dạy học theo chương trình quốc tế và sử dụng tiếng nước ngoài.

Ngày nay, khái niệm trường quốc tế đã mở rộng hơn rất nhiều, do quá trình xã hội hóa giáo dục và dựa trên nền tảng hợp tác giáo dục giữa các nhà đầu tư trong nước với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp khối tư nhân đã đầu tư phát triển hệ thống các trường phổ thông tư thục có hợp tác với nước ngoài về mọi mặt, từ vốn đầu tư đến chương trình học và giáo viên để đưa chất lượng dạy học lên một chuẩn mực mới, được các cơ sở giáo dục tầm quốc tế công nhận.

Do sự mở rộng trong hợp tác giáo dục nên khái niệm trường quốc tế cũng phải được hiểu rộng ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền giáo dục nước ta hiện nay và tương lai.

Do đó, các cơ sở giáo dục có hợp tác quốc tế trong việc dạy học và áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng dạy học theo tiêu chuẩn giáo dục nước ngoài hoặc tiêu chuẩn quốc tế thì họ có sử dụng tên “trường quốc tế” cũng là phù hợp với xu thế phát triển giáo dục.

Xin cảm ơn Luật sư.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải phóng cho cha mẹ khỏi kiếp “ô sin tuổi già”- ấy là hiếu nghĩa?

Ngày nay, không ít con cháu rất biết cách “tận dụng” sức lao động của cha mẹ, khiến họ còn bận rộn, mệt mỏi hơn là đi làm với vô vàn việc nhà không tên như: thay ô sin trông con, cơm nước, thay người làm trông cửa hàng, làm bảo vệ... Liệu có bao giờ những người đứa con ấy nghĩ rằng làm thế là họ đang “lạm dụng cha mẹ” mình hay chỉ nghĩ thế mới là yêu thương, là “tạo việc làm” để cha mẹ đỡ buồn chán khi về già?

Nguồn: Pháp luật Plus