“Trào lưu” tài xế công nghệ bỏ nghề

17/03/2022 15:00

Kinhte&Xahoi Chưa thể “gượng dậy” sau 2 năm dịch bệnh, tài xế công nghệ giờ đây lại gặp những khó khăn khác: vắng khách, xăng tăng giá… Nhiều tài xế quyết định chuyển nghề để mưu sinh.

Nhiều tài xế công nghệ bỏ nghề vì thu nhập chạy xe không đủ trang trải cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Không còn là nghề “hot"

Trước dịch, tài xế công nghệ được cho là có mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng thu nhập của người lao động. Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trung bình mức thu nhập của một lao động Việt Nam là khoảng 5,53 triệu đồng/tháng. Trong những tháng cao điểm, thu nhập của các tài xế công nghệ có thể cao gấp ba, gấp bốn lần, ước tính từ họ thu về từ 10 triệu đến 30 triệu một tháng.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi từ khi dịch bệnh. Vào những đợt giãn cách xã hội, tài xế công nghệ hầu như không được hoạt động. Còn hiện nay, khi được mở cửa hoàn toàn thì họ lại gặp cảnh đìu hiu, vắng khách. Một trong những nguyên nhân chính là do giá xăng tăng, cước dịch vụ tăng theo, khiến nhiều khách hàng không còn ưa chuộng các dịch vụ xe công nghệ, dù nhằm phục vụ mục đích đi lại hay vận chuyển đồ ăn, tài liệu,…

Theo chia sẻ của một số tài xế Grab, hiện tại họ đang phải chấp nhận chạy xe “không công”, tức là chạy mỗi ngày chỉ đủ tiền chi phí xăng xe và tiền ăn, dư ra hầu như không đáng kể. Nhưng nếu không chạy xe thì vừa mất tiền lãi xe mà sau này họ sẽ không được ưu tiên phát chuyến nữa. Vì vậy, nhiều tài xế vẫn lựa chọn “gồng mình” duy trì trên 10-12 tiếng chạy xe mỗi ngày cho đến khi xã hội phục hồi trở lại như trước.

Mặt khác, nhiều tài xế lựa chọn bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh như môi giới xe, làm công nhân tại các khu công nghiệp hay thậm chí “cò” đất, mua bán tiền ảo,… Một số người khác quyết định về quê chờ đợi dịch bệnh ổn định hơn, thị trường xăng dầu khởi sắc thì họ sẽ quay trở lại chạy xe.

Như trường hợp của anh T, một tài xế GrabCar Plus ở Hà Nội, trong một tháng qua, trung bình mỗi tuần anh chỉ thu về khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trừ đi chiết khấu của hãng ở mức 32%, xăng xe, khấu hao xe, bảo dưỡng, lãi vay mua xe… thì số tiền kiếm được luôn là âm. Trong khi hỗ trợ từ hãng xe công nghệ “không thấm vào đâu” thì “đi làm như vậy chưa đủ nuôi thân, chứ nói gì đến nuôi cả gia đình”, anh T chia sẻ.

Khó chồng khó

Từ đầu tháng 3 đến nay, các hãng xe công nghệ như Grab, Be, Baemin đã thông báo điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành phố để bù đắp chi phí vận hành trước áp lực của việc tăng giá xăng dầu, tăng thu nhập cho tài xế.

Đơn cử, với biểu giá cước mới của Grab, tương ứng với mỗi quãng đường khoảng 5km, người dùng đặt xe GrabCar Plus 4 chỗ, ước tính sẽ phải trả thêm gần 5.000 đồng so với trước đây, chưa tính các phụ phí khác hay mức giá tăng vào giờ cao điểm.

Còn với Baemin, giá cước mới cho dịch vụ giao đồ ăn ở mức 16.000 đồng cho 3km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo, trong khi dịch vụ đi chợ hộ có giá cước lên mức 21.000 đồng cho 3km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo.

Trước việc điều chỉnh này, nhiều khách hàng đã chọn “quay lưng” với xe công nghệ, khiến lượt khách giảm mạnh. Chị Nguyễn Thu Quỳnh, một nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, từ khi cước phí các hãng xe công nghệ tăng cao, chị đã ngừng sử dụng những dịch vụ này.

“Hiện nay, rất nhiều thứ tăng giá chứ không chỉ giá xăng, giá dịch vụ, do vậy tôi phải cắt bỏ những chi tiêu thừa thãi không cần thiết. Nếu như trước đây tôi có thói quen gọi đồ ăn qua các ứng dụng như Grab Food, Now vì tiện lợi thì bây giờ tôi sẽ tự mang thức ăn từ nhà đi hoặc ăn ở căng-tin cơ quan để giảm chi phí”, chị Quỳnh nói.

Về việc di chuyển, chị cho biết đang cân nhắc sẽ quay lại với các phương tiện cá nhân hoặc chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, theo gợi ý của một số đồng nghiệp.

Nhiều người nhìn nhận chính sách tăng giá này không chỉ thiệt khách hàng mà thiệt cả lái xe. Mức chiết khấu hiện nay các ứng dụng áp dụng lên tài xế cũng được xem là tương đối cao: Now (20%), GoJek (20%), Baemin (27%), Be (25%), Grab (27% cho GrabBike, 32% cho GrabCar). Một số tài xế đề xuất “nếu các ứng dụng có thể chấp nhận cắt giảm khoảng từ 10% trở lên mức chiết khấu thì thu nhập của tài xế mới cải thiện được mà không cần tăng cước phí gây mất khách”.

Gần đây, một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều tài xế xe công nghệ tại Hà Nội và TP HCM đã đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng lái xe đồng loạt tắt ứng dụng, ngừng đón khách để gây áp lực với ứng dụng nhằm giảm mức chiết khấu mà tài xế phải đóng. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều tài xế lại cho rằng việc gây sức ép như vậy là vô nghĩa vì chính các hãng xe công nghệ cũng đang trong cảnh thua lỗ. Chưa kể, các hãng cũng đang gặp khó khăn trong việc “giữ chân” tài xế.

Đây cũng là tình trạng chung của ngành vận tải sau khi tăng liên tục 7 kỳ điều chỉnh, giá xăng đã tăng hơn 31% từ giữa tháng 12/2021 so với hiện nay. Các doanh nghiệp vận tải nói chung và các hãng xe công nghệ nói riêng đang “mòn mỏi” chờ những chính sách “gỡ khó” từ Chính phủ, đặc biệt là các chính sách tín dụng. Về phía các tài xế, nhiều người chia sẻ họ chỉ mong mỏi dịch bệnh sớm qua đi, thị trường xăng dầu bình ổn trở lại, hoặc có những chính sách hỗ trợ từ phía hãng xe phần nào giúp cải thiện thu nhập của họ để “bám nghề” mà thôi.

 Đỗ Trang - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/trao-luu-tai-xe-cong-nghe-bo-nghe-d178302.html