Khu dân cư ngách 460/83 phố Khương Đình nằm sát Nghĩa trang Hạ Đình.
Ngõ 460 phố Khương Đình nối thông ra ngõ 171 đường Nguyễn Xiển. Từ ngách 460/44 phố Khương Đình, ngõ bị thắt “cổ chai”. Từ đây đến hết ngõ, hầu hết công trình đều trong tình trạng là nhà tạm 1 tầng hoặc xây dựng chắp vá qua nhiều thời kỳ; số công trình cao tầng chỉ đếm trên đầu ngón tay... Đặc biệt, tại ngách 460/83 phố Khương Đình, khu dân cư ở liền ngay Nghĩa trang Hạ Đình nên không tránh khỏi cảnh nhếch nhác, tạm bợ...
Trả lời về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tại ngõ 460 phố Khương Đình, Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Bùi Việt Nga khẳng định, theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 và Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 tại Quyết định số 6665/QĐ-UB ngày 3-12-2015 của UBND thành phố Hà Nội, khu vực này được xác định là đất quy hoạch công viên cây xanh hỗn hợp và hồ điều hòa, nên tất cả công trình phải giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, do nhiều công trình xây dựng đã lâu, không bảo đảm an toàn, một số hộ đã gia cố, sửa chữa và giữ nguyên hiện trạng cũ, không phát sinh vi phạm mới...
Khách quan nhìn nhận, quy hoạch tồn tại đến nay đã hơn 1 thập kỷ, lại nằm trọn trong khu dân cư nên gây nhiều bất tiện cho người dân vì họ không được sửa chữa, xây dựng nhà. Theo rà soát của UBND phường Hạ Đình, khu vực hồ Hạ Đình (còn gọi là bờ vùng) được quy hoạch là đất công viên cây xanh hồ điều hòa, thuộc ô đất ký hiệu A2/CXKV1. Qua thống kê, khu vực này (thuộc tổ dân phố số 9 và một phần tổ dân phố số 10) có khoảng 649 thửa đất với khoảng 520 thửa có công trình trên đất. Trong số này, có thửa có nguồn gốc là đất giãn dân do thành phố cấp từ năm 1993; có thửa do chính quyền địa phương cấp sai thẩm quyền; có thửa là đất nông nghiệp do các hộ xã viên tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Hầu hết các hộ đều sử dụng từ năm 1980 đến trước năm 2014. Hiện các hộ sinh sống ổn định và thường xuyên có đơn thư, kiến nghị cũng như nguyện vọng xin điều chỉnh quy hoạch để cuộc sống được thuận lợi, yên ổn hơn.
Đáng nói, trên địa bàn phường Hạ Đình, không chỉ riêng khu vực ngõ 460 phố Khương Đình mới rơi vào cảnh cả khu dân cư nằm trong quy hoạch, mà một số khu dân cư khác cũng trong tình cảnh này. Đó là khu tập thể H25, khoảng từ số nhà 11 đến 65 phố Nguyễn Xiển (nằm trong một phần ô đất ký hiệu C1/CCTP2) cũng được xác định là “đất công cộng thành phố”. Tuy nhiên, khu vực này có nguồn gốc là đất ở khu tập thể, được UBND thành phố giao từ năm 1993 và hiện 33 thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tương tự, khu vực từ số nhà 15 đến 17 ngõ 236 Khương Đình nằm trong ô đất ký hiệu C1/CX5 cũng được xác định là đất cây xanh, nhưng hiện là đất thổ cư và các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
“Qua những lần họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND phường Hạ Đình đã tổng hợp và báo cáo cấp thẩm quyền về nguyện vọng của cộng đồng dân cư xin được điều chỉnh quy hoạch để quy hoạch bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới. Hiện nay, việc này vẫn đang được cấp thẩm quyền xem xét”, ông Bùi Việt Nga thông tin thêm.
Như vậy, trong khi hàng trăm hộ dân phải chịu cảnh nhà cửa xập xệ, xuống cấp thì chính quyền phường Hạ Đình cũng rất vất vả trong việc giữ nguyên hiện trạng khu dân cư. Thực tế trên cho thấy, nguyện vọng của cộng đồng dân cư phường Hạ Đình rất cần được các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo nhằm giúp ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khánh Hoàng - Hà Nội mới