Trẻ học online tại nhà: Tránh áp lực, tạo niềm vui

27/09/2021 07:03

Kinhte&Xahoi Việc tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, thiếu tương tác thực tế với thầy cô bạn bè sẽ gây ra cho trẻ học online không ít áp lực và cần cha mẹ lẫn thầy cô có những phương pháp để khiến trẻ bớt đi căng thẳng, học mà vui.

Để trẻ không áp lực, căng thẳng và hứng khởi với việc học, cần có sự nỗ lực đổi mới phương pháp từ nhà trường đến gia đình.

Chuyện “dở khóc dở cười” khi con trẻ học online

Học online là phương án tạm thời trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, nhằm đảm bảo học sinh vẫn có thể khai giảng đúng thời điểm, không tạm hoãn việc học quá lâu và vẫn tiếp thu được những kiến thức cần thiết của năm học mới.

Tuy nhiên, sau một thời gian việc học online được áp dụng trên toàn quốc, đã có nhiều vấn đề lớn nhỏ xảy ra xoay quanh chuyện học tập của trẻ, đặc biệt là trẻ tiểu học. Theo phản ánh của một số phụ huynh, tại nhiều buổi học online, con họ vẫn chưa làm quen được với hình thức học này. Có trẻ mất tập trung, xao nhãng, không tiếp thu được bài, vừa học vừa chơi, thậm chí là... ngủ gật.

Chị Lê Thị Thảo Linh, nhân viên kế toán, ngụ phường Linh Đông, Thủ Đức chia sẻ, con gái chị, năm nay học lớp 3, cũng là lần đầu tiên cháu học online. Nhà trường đã phải tiến hành “học thử” một tuần để các cháu tập làm quen với việc ngồi trước thiết bị điện tử và đeo tai phone để nghe thầy cô giảng thay vì ngồi trong lớp học với bạn bè. Tuy nhiên, sau một thời gian cháu học online, chị nhận ra con có dấu hiệu uể oải, ngồi học hay vặn vẹo người, tay nghịch các vật dụng khác. Hỏi thì cháu trả lời là không quen học kiểu này nên không tập trung được, hay bị buồn ngủ.

Một số sự cố khác cũng xảy ra với trẻ học online bậc tiểu học, như chị Nguyễn Phan Ly Ly, ngụ Trần Bình Trọng, Bình Thạnh chia sẻ. Khi con học xong các buổi học, chị Ly Ly hỏi thăm thì con gái bảo: Chỉ một mình cô nói, cô đặt ra câu hỏi mà hỏi hoài không có bạn nào lên tiếng. Khi hỏi con sao không lên tiếng, cô bé trả lời: Vì con không thấy bạn nào lên tiếng hết. Có cả trường hợp, cô hỏi, trẻ giơ tay... phát biểu nhưng với màn hình nhỏ, lớp học vài chục em thì chỉ hiển thị được gương mặt, cô giáo không thể nắm được em nào đang giơ tay.

Trước nhiều cái khó diễn ra trong quá trình học online, đặc biệt có cả khó khăn về thiết bị học, nhiều địa phương đã tạm ngưng triển khai học online cho trẻ ở cấp tiểu học. Với nhiều bậc học khác, việc triển khai học online cũng không hẳn diễn ra suôn sẻ hoàn toàn. Với học sinh cấp 2, 3 đang độ tuổi hiếu động, việc ngồi trước màn hình, thiếu đi tương tác cũng gây ra cho các em một số phiền toái nhất định. Có em lơ là, bỏ lơ việc học. Thậm chí, có trẻ nhận thức chưa đầy đủ, không đối diện với giáo viên nên sinh ra “lờn mặt”, có hành vi, ngôn từ quá trớn trong các buổi học.

Tại buổi tọa đàm chủ đề "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến" do Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội tổ chức, PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, cho biết theo khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky, có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch. Tuy nhiên, 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình; 57% học sinh (HS) cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa việc học online không có những ưu điểm đáng để triển khai. Với tình hình dịch bệnh cộng với xu thế 4.0, thì việc triển khai học online cho trẻ là tất yếu. Thực tế chứng minh, tại nhiều trường, nhiều địa phương tiếp cận công nghệ tốt, có sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp giữa các bên chặt chẽ, việc tổ chức học online đã có những thành công nhất định. Phụ huynh cũng hồ hởi vì thay vì phải mất thời gian “đánh vật” với việc dạy con tại nhà để không rơi rớt kiến thức, thì đã có những giờ học online để con trẻ nghiêm túc học hành.

Bí quyết tạo hứng khởi cho học sinh

Tất nhiên, để việc học online của học sinh đạt được kết quả tốt, ngoài sự chuẩn bị kĩ lưỡng, còn có nhiều yếu tố khác. Với vấn đề đặt ra là học sinh dễ căng thẳng, chán nản, khó tiếp thu bài vở trong môi trường ít tương tác trực tiếp như học online, thì cần đến sự nỗ lực và phối hợp từ phía nhà trường lẫn gia đình.

Việc chuẩn bị một không gian học tập tốt tại nhà cho trẻ khá quan trọng.

Trong một buổi học trực tuyến, thì người đóng vai trò then chốt chắc chắn phải là giáo viên. Cô giáo chuẩn bị bài như thế nào, trang bị các kĩ năng giảng dạy, tương tác online ra sao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng việc học.

Chuyện trẻ “chán” và có những áp lực khi bắt đầu làm quen với phương pháp học online là điều tất yếu, vì vậy, phải hiểu và có những biện pháp giải toả áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của mình nhà trường và giáo viên, mà các gia đình cũng cần hết sức phối hợp, hỗ trợ các con vượt qua giai đoạn “làm quen” đầy khó khăn này.

Việc chuẩn bị một không gian học tập tốt tại nhà cho trẻ khá quan trọng. Nếu có điều kiện, nên dành riêng không gian cho việc học trực tuyến của trẻ, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn chung quanh, tiếng sinh hoạt gia đình, tiếng của các thiết bị điện tử khác có thể làm học sinh mất tập trung…

Nhiều phụ huynh, những ngày đầu con học online đã chọn cách “ngồi học” chung với con để con khỏi bỡ ngỡ và hỗ trợ ngay khi con cần, đồng thời có thể phối hợp chặt chẽ với thầy cô giáo.

Chị Nguyễn Phan Ly Ly chia sẻ, sau ngày đầu thấy con kể học online có nhiều “sự cố” quá nên từ buổi học thứ hai chị quyết định học cùng con. Từ đó chị mới thấy nhiều vấn đề mà phụ huynh có thể giải quyết “tức thời” nếu có mặt cùng con ở những buổi học làm quen. Như điều chỉnh màn hình, điều chỉnh âm lượng, hướng dẫn con cách học, nhắc con tập trung, hoặc nhắc con đề nghị phát biểu thay vì “giơ tay” khi cô giáo hỏi… Học cùng con những giờ đầu cũng giúp con tự tin, bớt lo lắng hơn với việc học online. Ngoài ra, trong giờ học, nếu thấy con có dấu hiệu mệt mỏi, căng thẳng, phụ huynh có thể cho con tạm nghỉ ngắn để thực hiện các động tác thư giãn tại chỗ, vươn vai, hít thở để tạo năng lượng cho trẻ tiếp tục học hiệu quả hơn.

Sau khi học cùng con, phụ huynh có thể nắm được một số vấn đề để trao đổi, góp ý hoặc chia sẻ cùng giáo viên. Cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cũng khuyên phụ huynh nên dành nhiều thời gian để trò chuyện với con sau các buổi học để lắng nghe tâm tư con, giúp con tháo gỡ các vướng mắc, hoặc đề đạt với giáo viên những gì con phản ánh mà chưa hợp lý, gây chướng ngại cho việc học của con… Có thể đề nghị giúp con tạo các nhóm để tương tác với bạn bè trên lớp, có thể thông qua video call giúp con liên lạc trò chuyện cùng các bạn bè trên lớp, điều này khiến con có thể giải toả bớt áp lực của việc học.

Ngoài các giờ học trực tuyến, học sinh còn có những bài tập về nhà phải làm để nộp cho thầy cô giáo. Nhưng các nhà giáo dục khuyên rằng lượng bài tập về nhà đừng quá “nặng” khiến trẻ phải mất phần lớn số thời gian còn lại trong ngày để “đánh vật” với bài vở. Phụ huynh cần dành thời gian rảnh rỗi để con có thể vui chơi, giải trí với những hoạt động lành mạnh khác như tập thể dục, xem phim, nghe nhạc, chơi đùa các trò chơi vận động cùng các thành viên trong gia đình.

Cũng tại Tọa đàm "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến", TS Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng Bộ môn Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết giải pháp then chốt là phải cấu trúc lại bài giảng phù hợp, không thể mang bài giảng truyền thống vào bài giảng trực tuyến. Giáo viên phải "game" hóa nhiều nội dung, tạo hứng thú cho trẻ. Cạnh đó, TS Nguyễn Quang Tiệp cũng cho rằng mỗi tiết học chỉ nên tầm 30 phút, không quá 2 giờ/buổi học sẽ tốt hơn cho trẻ. 

Mai Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Hơn 1.300 tỷ đồng từ gói hỗ trợ an sinh đã đến với người dân, người lao động khó khăn

Tính đến 12h ngày 25/9, Hà Nội đã giải ngân hơn 1.300 tỷ đồng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng là người dân, người lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương. Trong đó, ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là gần 941,962 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là hơn 378,113 tỷ đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/tre-hoc-online-tai-nha-tranh-ap-luc-tao-niem-vui-d167195.html