Hình minh họa
Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" cũng đã được khắc phục và có những chuyển biến tích cực bước đầu (tại các địa phương đã khởi tố các vụ án tham nhũng tăng 13,5% và bị can tăng 32,8% bị can so với cùng kỳ năm ngoái).
Cuộc chiến với "tham nhũng vặt" được khởi xướng và đẩy mạnh làm an dân và giảm bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những mũi nhọn chống tham nhũng mà buộc các địa phương phải "nóng" lên bởi "tham nhũng vặt" chủ yếu là ở các cấp chính quyền địa phương, cơ sở.
Đáp ứng với sự chờ đợi của dư luận, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) được bổ sung vào danh sách các vụ án mà Ban Chỉ đạo "điểm mặt, chỉ tên" theo dõi quá trình điều tra, xét xử.
Cùng với đánh giá kết quả và đề ra nhiệm vụ của Ban Phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng tổ chức hội nghị sơ kết và đặt ra các nhiệm vụ, công việc cụ thể, tiến hành trong thời gian tới.
Các vụ việc "lình xình", dư luận xã hội đặc biệt quan tâm sẽ được làm rõ như vụ Asanzo bị phản ảnh nhập hàng Trung Quốc dán mác Made in Vietnam, xem xét trách nhiệm của các lực lượng chức năng để xảy ra vi phạm kéo dài ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện thoại Nhật Cường ở Hà Nội hay vụ xăng giả của đại gia Trịnh Sướng tại Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng rất chú tâm theo dõi những diễn biến đang xảy ra tại Tập đoàn địa ốc Alibaba với những thủ đoạn lừa dối khách hàng, vi phạm pháp luật, coi thường chính quyền, xúc phạm đến danh dự, sức khỏe của cả cán bộ và đánh cả người dân ngay tại văn phòng của mình.
Sự chuyển biến tích cực, rất hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đã lan tỏa sức nóng đến các địa phương, tạo ra một sự đồng bộ, đẩy lui tham nhũng lớn nhỏ, quy mô hay vặt vãnh chính là đảm bảo vững chắc cho sự tồn vong của chế độ.