Trình tự xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân từ ngày 25/5

13/05/2024 15:44

Kinhte&Xahoi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 1302/QĐ-BGDĐT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm thủ tục xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” (NGND) và xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” (NGƯT). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2024.

Danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" được xét tặng 3 năm một lần

Theo Quyết định thì danh hiệu NGND được xét tặng 3 năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trong đó, yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Danh hiệu NGND để tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 35/2024/NĐ-CP, đã được phong tặng danh hiệu NGƯT và đạt được các tiêu chuẩn như nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên; Đối với cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên và có từ 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Bên cạnh đó, phải tâm huyết, tận tụy với nghề, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách người học; Có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội, là tấm gương sáng, nhà giáo mẫu mực, xuất sắc tiêu biểu trong đổi mới quản lý, nuôi dạy, giảng dạy; Có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp; Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có đóng góp lớn vì lợi ích cộng đồng, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo; được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.

Ngoài ra, có tài năng sư phạm xuất sắc và có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT.

Sửa đổi, bổ sung lĩnh vực GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm thủ tục xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” và xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Trình tự thực hiện thủ tục xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân

Xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân đươc thực hiện theo đúng trình tự như sau:

Lấy phiếu tín nhiệm

Người đứng đầu, Giám đốc Đại học, học viện, Hiệu trưởng và tương đương của đơn vị cơ sở tổ chức triển khai văn bản hướng dẫn về việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị (bao gồm cả nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa 2 lần xét tặng liền kề với năm xét tặng); Tổng hợp danh sách và hồ sơ của cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Người đứng đầu, Giám đốc Đại học, học viện, Hiệu trưởng và tương đương triệu tập cuộc họp toàn thể công chức, viên chức, người lao động làm việc hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên trong đơn vị. Cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 3/4 tổng số công chức, viên chức, người lao động dự họp. Người đứng đầu đơn vị thông báo thành tích của từng cá nhân đề nghị xét tặng, tổ chức việc thảo luận, lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai.

Đối với đơn vị có số công chức, viên chức và người lao động từ 500 người trở lên, người đứng đầu, Giám đốc Đại học, học viện, Hiệu trưởng và tương đương tổ chức cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 300 công chức, viên chức, người lao động dự họp. Người đứng đầu, Giám đốc Đại học, học viện, Hiệu trưởng và tương đương quyết định hình thức lấy phiếu tín nhiệm đối với số công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị không tham dự cuộc họp.

Cá nhân đạt số phiếu tín nhiệm từ 80% trở lên được đưa vào danh sách xét chọn của Hội đồng cơ sở của các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Đại học Quốc gia, cơ sở giáo dục Đại học tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục hoặc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý cấp huyện, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trình tự, thủ tục xét tặng tại Hội đồng các cấp

Tổ thư ký rà soát, tóm tắt thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT theo Mẫu số 04; Báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định công bố danh sách cá nhân, chức vụ, đơn vị công tác của cá nhân đề nghị xét tặng bằng hình thức niêm yết công khai hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị trong thời gian 7 ngày làm việc để lấy ý kiến nhân dân. Hội đồng cấp Nhà nước đăng tải danh sách cá nhân, chức vụ, đơn vị công tác của cá nhân đề nghị xét tặng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong thời gian 10 ngày làm việc để lấy ý kiến nhân dân.

Tổ thư ký tổng hợp kết quả thẩm định hồ sơ, kết quả công khai danh sách cá nhân đề nghị xét tặng, gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên Hội đồng và tổ chức cuộc họp Hội đồng; Hội đồng thẩm định về tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ; Các tiêu chuẩn của cá nhân theo danh hiệu đề nghị; Hội đồng họp, thảo luận và tiến hành bỏ phiếu để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT; Hội đồng cấp dưới hoàn thiện 1 bộ hồ sơ (bản giấy) theo quy định và gửi lên Hội đồng cấp trên; Hội đồng cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định.

Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/trinh-tu-xet-tang-danh-hieu-nha-giao-nhan-dan-tu-ngay-255-198940.html