Trực tiếp lễ viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Cụ thể, lễ viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ bắt đầu từ 7h-11h, lễ truy điệu từ 11h ngày 3/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ an táng từ 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM.
Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh VTC
Cùng thời gian trên, tại hội trường Thống Nhất TP.HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Theo thông cáo đặc biệt được Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát đi chiều ngày 27/4, Ban tang lễ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh gồm 39 người, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.
Theo kế hoạch, sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch rồi ra Sân bay Nội Bài vào TP.HCM. Tại TP.HCM, linh cữu sẽ qua Quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP.HCM.
Lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp.
Theo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời lúc 20h10 ngày 22/4 tại nhà số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội.
Sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng.
Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.
Tháng 2/1987, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.
Theo Phapluatplus