Đại dịch SARS 2003 từng được Việt Nam khống chế thành công
Cụ thể, năm 2003, dịch SARS bùng phát, Tổ chức y tế thế giới (WHO) phải liệt kê dịch này vào mức “đại dịch toàn cầu”. Đây là hội chứng hô hấp cấp tính nặng lần đầu tiên xuất hiện tại châu Á vào năm 2002 và ổ dịch đầu tiên cũng vẫn là Trung Quốc.
Người dân toàn thế giới từng hoang mang với đại dịch SARS toàn cầu. Ảnh internet
Loại virus này nhanh chóng lan sang 37 quốc gia khác và khiến cho 8.000 người bị lây nhiễm, 916 người tử vong, khiến cả thế giới kinh hoàng… Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm đó.
Các triệu chứng của SARS bao gồm sốt rét, đau nhức cơ thể và tiến triển thành viêm phổi cấp. Sau khi đại dịch bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng lại hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm và tăng cường mạng lưới chia sẻ thông tin trong và ngoài nước.
Ngày 26/2/2003 là ngày bệnh SARS chính thức xâm nhập vào Việt Nam với bệnh nhân đầu tiên là ông Johnie Chun Cheng đến Bệnh viện Việt-Pháp của Việt Nam để khám bệnh với các triệu chứng của SARS.
Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, nơi từng là ký ức kinh hoàng của các bác sĩ. Ảnh internet
Vài ngày sau khi có bệnh nhân SARS đầu tiên, đến ngày 4/3 đã có 6 nhân viên y tế Việt Nam có tiếp xúc với bệnh nhân phải nhập viện vì sốt cao. Nhận thấy đây là một bệnh lạ nguy hiểm, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với WHO để kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam cũng đã áp dụng hệ thống kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc. Nhưng con số bệnh nhân tại Việt Nam vẫn không ngừng lại ở đó, tiếp tục tăng lên với 37 trường hợp.
Sau 45 ngày kể từ ca SARS đầu tiên, đến ngày 28/4/2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Tổng giám đốc WHO đánh giá về thành công của Việt Nam tại Hội đồng Y tế thế giới lần thứ 56 rằng: “Kinh nghiệm phòng chống SARS ở Việt Nam cho thấy rằng sự cam kết chính trị ngay lập tức ở cấp cao nhất đóng một vai trò quyết định. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới là một nước đang phát triển khi bị dịch bệnh nguy hiểm tấn công, thông tin công khai, minh bạch với sự hỗ trợ đầy đủ từ các tổ chức y tế thế giới….”.
Dịch virus corona mới chưa phải “đại dịch toàn cầu” và Việt Nam vẫn làm tốt những công tác phòng chống
Đến ngày 26/1/2020, dịch virus corona mới, được ghi nhận có hơn 2000 người bị nhiễm bệnh trên toàn cầu và 56 người ở Trung Quốc thiệt mạng.
Còn tại Việt Nam thì đã có 2 du khách Trung Quốc được xác định dương tính với corona, hiện đã được cách ly.
2 cha con bệnh nhân Trung Quốc dương tính với corona được cách ly đặc biệt tại bệnh viện Chợ Rẫy, Tp HCM. Ảnh internet
Điều này gây hoang mang cho dư luận trong nước, thậm chí ảnh hưởng tới cả Tết cổ truyền của Việt Nam. Những ngày qua, đã có nhiều người chọn việc ăn Tết ở nhà, không du xuân để “bảo toàn” sức khỏe. Còn trên mạng xã hội thì liên tục chia sẻ những tin đồn thất thiệt.
Chúng ta cần biết rằng, trong tuần, Tổ chức Y tế Thế giới đã không gọi dịch bệnh virus corona là “một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu” hay “đại dịch toàn cầu”.
Ngay trong ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành công điện về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Thủ tướng đã yêu cầu nhiều bộ ngành cùng vào cuộc để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh do vius corona lây lan vào Việt Nam.
Máy đo thân nhiệt tại sân bay Nội Bài. Ảnh internet
Hiện nay những bệnh nhân dương tính cũng như có dấu hiệu của virus corona khi đến Việt Nam đều đã được cách ly điều trị, hiện các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Các địa phương có lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc cao đều thực hiện nghiêm chỉ đạo của thủ tướng, trong công tác phòng chống dịch corona. Hàng loạt tỉnh thành đã lắp thêm máy đo thân nhiệt mới.
Chính vì thế, người dân có thể hoàn toàn yên tâm với công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Tin chắc, với kinh nghiệm phòng chống SARS trước đó, Việt Nam sẽ ngăn chặn thành công corona nhờ sự trưởng thành trong lĩnh vực y tế của mình.