Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt, tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước (KTNN) rà soát toàn bộ nội dung kết luận về việc: Sabeco, Habeco nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp tiền phạt chậm nộp và nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nộp khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước tại Sabeco; quyền, trách nhiệm của các cổ đông tại Sabeco, Habeco khi thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước theo luật định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại hai doanh nghiệp bia lớn là Habeco và Sabeco.
Trên cơ sở đó, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan và doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Các bộ Tài chính, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung liên quan đến kết luận trên của Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Công thương chủ trì, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, KTNN đã yêu cầu Habeco phải nộp bổ sung vào ngân sách hơn 3.100 tỷ đồng, gồm tiền thuế còn thiếu và cổ tức trên vốn nhà nước.
Cụ thể, số tiền thuế Habeco còn thiếu, phải nộp thêm vào ngân sách là 1.847 tỷ đồng, gồm thuế giá trị gia tăng là 4,5 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 441 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 381 triệu đồng và các khoản phải nộp khác gần 1.392 tỷ đồng.
Còn tại Sabeco, theo kết luận của KTNN công bố hồi tháng 2/2018, Cơ quan này yêu cầu Sabeco nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước là khoảng 2.900 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước chiếm 89,59%/vốn điều lệ, tương ứng được chia số tiền 2.495 tỷ đồng.
Sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco có ý kiến với doanh nghiệp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm mà KTNN đã chỉ ra.
Đối với kết luận liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt nộp bổ sung từ giai đoạn 2007-2015, Sabeco từng cho rằng, đây là vấn đề lớn, kéo dài từ năm 2014 đến nay, hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm, gây khó khăn trong quá trình kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cổ đông.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cuối năm 2017, Sabeco ghi nhận khoản 2.495 tỷ đồng mà Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nộp trong khoản mục nợ tiềm tàng.
Theo Gia đình và Pháp luật