Tự giác cách ly để chủ động nhưng không chủ quan trong mùa dịch

08/03/2022 08:55

Kinhte&Xahoi Mới đây, Bộ Y tế thông tin: “Tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh”. Dù vậy, các ca bệnh tại Hà Nội vẫn tăng cao hàng ngày khiến nhiều người lo ngại. Để cho mình và gia đình, người xung quanh an toàn hơn trong mùa dịch “leo thang” này, mỗi người cần phải tự giác cách ly, nâng cao ý thức, tránh làm lây lan thêm dịch bệnh.

COVID-19 không còn là “con ngáo ộp”

 Đi chợ, đến hàng bán trái cây quen thuộc, thấy quả vẫn bày mà người đi vắng, chị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi những người xung quanh thì được biết chị chủ hàng đã bị COVID-19. Hỏi thăm tình hình của chị chủ hàng một lúc, thấy vẫn còn những nải chuối cả xanh cả chín chị chưa bán hết, để lại nhờ mọi người bán hộ khi nghỉ ở nhà cách ly, ban đầu chỉ định mua một nải nhưng chị Lan quyết định mua liền ba nải.

“Đằng nào nhà em cũng phải ăn, chuối của chị này luôn để chín tự nhiên, không dấm thuốc lại già quả, ăn rất ngon, để em mua ba nải về ăn dần. Chứ cứ để thế này trời nắng lên rồi, chín không bán hết vứt đi chị ấy lỗ vốn mất. Ở nhà cách ly đã không có thu nhập rồi lại lỗ vốn chỗ hàng này thì khổ thân chị ấy quá”, chị Lan nói với những người xung quanh. Nghe vậy, những người hay mua tại hàng này cũng xúm lại, mỗi người mua thêm vài thứ quả cho chị bán hàng yên tâm ở nhà cách ly.

Các F0 ra phường khai báo y tế

Sau cơn mưa rào kết thúc những ngày nồm ẩm, trời nắng ráo dễ chịu, bà Xuyên (Hoàng Mai, Hà Nội) dẫn cháu ra ngõ chơi. Nhà bà 5 người đều là F0, đã tự giác cách ly được 20 ngày, cũng đã nhận giấy hết thời hạn cách ly của phường từ lâu nhưng đến nay bà mới dám cho cháu ra ngoài để hít thở không khí ngoài trời. Đồng thời, bà dặn các cháu nhỏ không vào nhà ai chơi chả sợ mọi người ngại.

Trái với suy nghĩ của bà, các bà hàng xóm thấy mấy bà cháu dắt tay nhau lang thang ngoài ngõ thì gọi lại hỏi han rối rít. Từ chuyện ăn gì, uống gì, biểu hiện ra sao, kinh nghiệm làm thế nào để nhanh khỏi đều được bà Xuyên kể cặn kẽ với các bà hàng xóm. Bên cạnh đó, bà cũng chia sẻ về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, vận động, đo Sp02… của cả nhà bà để những ai chưa bị F0 có thể tham khảo, áp dụng nếu chẳng may gia đình mắc phải.

Bà Xuyên bày tỏ: “Tôi cứ nghĩ các bà hàng xóm sẽ phải e ngại, không muốn tiếp xúc với chúng tôi, ít nhất một vài tuần sau khi khỏi bệnh kia. Ai dè tâm lý họ đã thoáng hơn, không kì thị như trước nữa. Chứng tỏ, con COVID-19 không còn là “con ngáo ộp” đe dọa tất cả mọi người. Nhân dân đã quen thuộc và xác định sống chung, không sợ hãi, không hoang mang nữa. Như vậy người bị F0 như chúng tôi cũng cảm thấy bớt áp lực, đỡ lo lắng khi “tái hòa nhập cộng đồng”.

Vẫn cần sự tự giác và ý thức nâng cao

 Khắp Hà Nội bây giờ, ai cũng trầm trồ, tâm đắc. Bởi lẽ, nếu như cách đây nửa năm, chỉ cần một người bị F0 thì cả ngõ, cả phường thậm chí cả khu vực rộng lớn xung quanh đó sẽ bị phong tỏa, cách ly. Còn hiện nay, sau chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc, Hà Nội dù có nhiều ca mắc hàng ngày nhưng cấp độ nguy hiểm của dịch đã giảm, chính quyền mở cửa để người dân “bình thường mới” trở lại, làm ăn, lo sinh kế.

Vẫn biết, Việt Nam đang tiến tới “sống chung với dịch”, coi đây là bệnh đặc hữu như xu hướng của thế giới nhưng đây đang là giai đoạn chuyển tiếp nên người dân chớ lơ là, chủ quan, coi dịch bệnh là nhẹ, bình thường như bao loại bệnh khác. Các ca mắc tăng cao kỉ lục trong suốt những ngày qua tại Hà Nội đã gây nên nhiều bất tiện, đảo lộn sinh hoạt và cuộc sống, còn để lại nhiều phiền phức cho người già, trẻ nhỏ và những người sức khỏe kém.

Người dân tập thể dục, nâng cao sức khỏe trong mùa dịch bệnh

Vì thế, mỗi người dân bị mắc COVID-19 vẫn cần phải nâng cao tự giác. Chị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết phường chị hệ thống y tế quá tải, các gia đình có người bị F0 tự cách ly, y tế phường không đủ nhân lực để “dán giấy đỏ” trước cửa nhà người bệnh nữa. Lợi dụng không có sự giám sát, kiểm tra, nhiều người F0 vẫn tự do đi lại gây bất an cho những người xung quanh.

“Hiện tượng F0 đi chợ mua thực phẩm, thuốc men, vật dụng thiết yếu thì cũng đành chấp nhận, vì họ đeo khẩu trang kín, đi nhanh gọn, mua đủ số cần thiết rồi về nhà ngay, không la cà. Hơn nữa, nhờ mãi hàng xóm cũng phiền bởi cả gia đình cùng cách ly, nhu cầu về ăn uống đầy đủ dinh dưỡng theo sở thích, nhu cầu là khá lớn, không thể chốc lại phiền người khác được. Song, vẫn có người biết rõ mình F0 mà không khai báo, đi làm, đi chơi, tiếp xúc búa xua với hàng xóm, đồng nghiệp… thì không thể chấp nhận được”, chị Phương bày tỏ.

Hà Linh (sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) “hết hồn” kể về trường hợp cô cùng một người bạn lâu ngày không gặp nên hẹn nhau đi chơi. Lang thang ăn uống tâm sự xem phim, uống cà phê với nhau gần một ngày trời, đưa bạn về nhà trọ, Hà Linh tá hỏa khi những người xung quanh bảo cô bạn kia dương tính mấy ngày nay. Hóa ra vì “cuồng chân”, cô bạn mới rủ Hà Linh đi chơi. Giờ Hà Linh chỉ biết tự mình cách ly, nghe ngóng kĩ biểu hiện của bản thân, nếu thấy khác lạ thì test để biết chính xác tình trạng của mình, từ đó quyết định có tiếp tục đi học, đi làm thêm hay không, tránh ảnh hưởng đến người khác.

Để cuộc sống thực sự bình thường trở lại, mỗi người vẫn cần phải nâng cao ý thức tự giác (Ảnh minh họa)

“Còn may là em biết ngay lúc vừa tiếp xúc với bạn xong chứ vài ngày sau mới biết, nhỡ em cũng bị lây bạn rồi về lây cho những người khác nữa thì bản thân em rất bực mình và áy náy”, Hà Linh cho biết. Cô cũng rất giận cô bạn gái này, nhất là khi cô bạn còn “hồn nhiên” cãi: “Rồi đến lúc ai chả phải bị. Bị sớm khỏi bị muộn, cứ phải quan trọng hóa vấn đề làm gì”.

Không phải chỉ riêng cô bạn của Hà Linh, một bộ phận người Hà Nội cũng bắt đầu có tâm lý “thả cửa”. Biết rằng, họ chấp nhận bản thân nhiễm COVID-19 để được làm những việc họ thích, không phải kiêng dè, rón rén nhìn trước ngó sau như trước. Họ không nghĩ được rằng đâu phải mỗi mình họ nhiễm là xong mà còn mang đến nguy cơ lây lan cho gia đình, người thân, đồng nghiệp và cộng đồng. Nếu chẳng may trong đó có người già, trẻ em, người có bệnh nền, sức đề kháng kém, gây nên tình trạng bệnh trở nặng phải can thiệp của y tế, dẫn đến quá tải cho các bệnh viện thì người thân của họ không thể được điều trị một cách chu đáo nhất được.

Chính bởi vậy, bình tĩnh nhưng không lơ là, hiểu biết lại càng nâng cao ý thức, chủ động nhưng chớ chủ quan là tâm thế người Hà Nội rất cần lúc này để đỉnh dịch qua nhanh, cuộc sống bình thường sớm trở lại như trước đây.

 Ngọc Hân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022

Ngày 6/3/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản số 797/BTTTT-THH hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022. Công văn được gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh tỉnh thành trực thuộc Trung ương.

Chờ đợi du lịch sôi động trở lại vào mùa hè

Tín hiệu du lịch Việt Nam đang khởi sắc khi lượng khách du lịch ngày một tăng hơn kể từ đầu năm 2022. Đặc biệt, trước thềm ngành Du lịch chuẩn bị mở cửa hoàn toàn từ ngày 15-3, các đơn vị kinh doanh du lịch đã tổ chức nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tu-giac-cach-ly-de-chu-dong-nhung-khong-chu-quan-trong-mua-dich-191299.html