Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi ra đường. (Nguồn: Người Đưa tin)

Ngày 22/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã quyết định ngừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 23/4, nhưng vẫn phải chấp hành theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg.

Riêng hai huyện Thường Tín, Mê Linh là những địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19 vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4.

Tại cuộc họp, thành phố Hà Nội cũng tiếp tục chủ động các giải pháp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để dịch Covid-19 không lây lan ra cộng đồng.

Cụ thể như sau:

- Trong mọi trường hợp, người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị, xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang ra ngoài đường.

- Người dân khi tham gia giao thông, khi dừng lại ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, người đi xe máy phải cố gắng giữ khoảng cách, xếp thứ tự, tránh tình trạng chen lấn.

- Thành phố sẽ dần cho hoạt động kinh tế trở lại, song các loại hình như: quán bar, karaoke, massage, quán Internet, điện tử… tiếp tục dừng hoạt động theo đúng Chỉ thị 15.

- Tất cả các lễ hội, hoạt động thể thao, các hoạt động tôn giáo tập trung đông người cũng chưa được phép hoạt động trở lại. Đặc biệt, thành phố cũng chưa tiếp nhận khách nước ngoài…

- Các cửa hàng ăn, khi mở của hàng trở lại phải giữ khoảng cách, nên có tấm chắn bằng mika, kính hoặc nylon để người đối diện không lây nhiễm. Các Trung tâm thương mại, siêu thị cũng tổ chức như vậy, giữ khoảng cách, thường xuyên đo thân nhiệt và đi vào, đi ra một chiều.

- Các cơ quan, xí nghiệp phải bảo đảm phòng, chống dịch, thực hiện đo thân nhiệt cho người lao động, tổ chức phòng, chống dịch cho các bếp ăn tập thể.

- Đề nghị các Bệnh viện của Hà Nội và Trung ương trên địa bàn Thành phố phải thực hiện tốt việc phòng, chống dịch. Tiếp tục nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh trên tinh thần thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế: kê khai y tế, ứng dụng CNTT, nước khử khuẩn…

- Đề nghị với những người có bệnh lý, phải kiểm soát, cách ly chặt chẽ, tránh lây nhiễm. Các trường hợp bệnh nhân nặng chỉ cho phép 1 người nhà ở lại chăm sóc…

- Những người có dấu hiệu ốm thì phải ở nhà, những người có biểu hiện ho, sốt thì phải liên hệ với y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Tại nhà trường, cơ quan phải đo thân nhiệt.

- Các phương tiện giao thông vận chuyển trở lại không được hoạt động hết công suất. Đồng thời, phải có các biện pháp phòng, chống dịch cho hành khách theo đúng quy định. 

Trước mắt từ nay đến 30/4, thành phố cho phép Tổng Công ty Vận tải và các đơn vị làm dịch vụ như Grab, taxi, xe khách cho vận chuyển trở lại với 20-30% công suất. Đến giữa tuần sau, sẽ tiếp tục quyết định các giải pháp khác.”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.

- Đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã giao cho các lực lượng xử phạt các quán nước chè, quán trà tranh, cửa hàng kinh doanh… lấn chiếm vỉa hè.

- Giao Sở Y tế, Sở Du lịch bố trí nơi nghỉ 4 khách sạn (Daewoo, Pullman, Crowne Mỹ Đình, Pacific đường Thanh Niên) cho phi công nước ngoài.

- Hà Nội đã xây dựng phương án dự kiến cho các cấp học từ Trung học Cơ sở trở lên bắt đầu đi học từ ngày 4/5. Các cấp học còn lại gồm cấp Tiểu học, Mẫu giáo sẽ đi học trở lại từ ngày 11/5.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày cuối giai đoạn 2 thực hiện cách ly xã hội, hàng loạt vi phạm kiểu "đối phó"

Ngày 22-4, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội là địa phương duy nhất được đề xuất xếp ở nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, ghi nhanh của nhóm phóng viên Báo Hànộimới điện tử trong sáng nay cho thấy, tình trạng người dân chủ quan, phớt lờ các quy định bảo đảm an toàn cho chính bản thân và cộng đồng còn phổ biến. Đáng lưu ý, nhiều vi phạm diễn ra dưới hình thức “đối phó”, nhằm “che mắt” lực lượng chức năng.

Chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động

Từ đầu năm đến nay, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 33.000/156.000 lao động, đạt 21% kế hoạch năm, trong đó tạo việc làm cho 10.500 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với khoảng 460 tỷ đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-hom-nay-nguoi-dan-ha-noi-phai-thuc-hien-gian-cach-xa-hoi-nhu-the-nao-d122737.html