Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố báo cáo tại hội nghị
Chiều 11/3, tại hội nghị giao ban công tác tháng 3/2022 của UBND thành phố Hà Nội, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo về việc triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn thành phố.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai đề án.
Nội dung kế hoạch đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo lộ trình trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030. Cùng với đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu, ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2022.
Hà Nội được chọn là địa phương triển khai điểm với tất cả nội dung của đề án, trên cơ sở đó để nhân rộng ra toàn quốc. Do vậy, tiến độ và khối lượng các đầu việc sẽ phải thực hiện sớm hơn, nhiều hơn so với lộ trình chung của đề án.
Thành phố cũng đã có văn bản gửi các Sở, ban, ngành và UBND các địa phương tập trung vào các nhóm công việc cụ thể. Trong đó, các đơn vị tuyên truyền cho người dân tham gia đăng ký, hiểu lợi ích của việc định danh điện tử, phổ cập định danh điện tử, tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, khai thác hiệu quả ứng dụng VNEID… từng bước thay thế thủ tục giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ trọng tâm trong đề án của Chính phủ là đẩy mạnh dịch vụ công và xây dựng công dân số trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó mỗi công dân đã được cấp căn cước công dân gắn chíp.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, để hoạt động được giao dịch và xác thực trên môi trường số hóa, mỗi công dân phải có xác thực định danh điện tử cá nhân, gồm thông tin trong căn cước công dân, nhận diện sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt). Sau khi căn cước công dân và xác thực định danh điện tử được tích hợp, công dân sẽ thực hiện giao dịch thủ tục hành chính mà không cần giấy tờ. Theo tiến độ, từ ngày 1/4, công an địa phương sẽ triển khai cấp định danh điện tử cho công dân, đồng thời tích hợp định danh điện tử với căn cước công dân.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" thành phố, Phó Giám đốc Công an thành phố đề nghị các Sở, ban, ngành và địa phương cùng phối hợp nhằm triển khai thực hiện tốt đề án.
Lam Dương - TTTĐ