Từ tháng 7 bắt đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân

19/06/2019 10:35

Kinhte&Xahoi Hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được Bộ Y tế triển khai từ tháng 7, ghi nhận thông số về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh...

Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tại hội thảo ngày 17/6, ngành y tế phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe. Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, lộ trình từ tháng 7 sẽ triển khai toàn quốc. Dự kiến năm 2020, mỗi người dân có thể làm chủ được hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử của mình.

Phó giáo sư Trần Quý Tường, Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết đã thí điểm thành công phần mềm hồ sơ sức khỏe tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 4 năm nay và tại Nghệ An vào tháng 5. Cục đang đề xuất hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng trước khi triển khai rộng.

"Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi, giúp mỗi người biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời", ông Tường chia sẻ.

Các bệnh viện đang ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh. Ảnh: Lê Phương.

Cục Công nghệ thông tin đang phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng mã định danh y tế cho người dân, tài khoản người dùng theo địa danh tỉnh, xây dựng chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với các hệ thống y tế.
 
Hồ sơ sức khỏe điện tử của một người cung cấp cho y bác sĩ đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ. Từ đó bác sĩ kết hợp với thăm khám hiện tại để có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn.

Người dân sở hữu, làm chủ hồ sơ sức khỏe của mình, cập nhật thông tin cá nhân, lịch sử bệnh, yếu tố di truyền, sức khỏe sinh sản, tiêm chủng... Người sở hữu hồ sơ sức khỏe của mình có quyền bổ sung, xem các thông tin khám chữa bệnh của mình, chia sẻ cho các cơ sở y tế trong từng đợt khám chữa bệnh nhưng không có quyền thay đổi thông tin.

Bộ Y tế cũng tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, không dùng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Buýt nhanh triệu USD: Cho “khai tử” hay tồn tại? - Kỳ 2: Dự án “chín ép”, trách nhiệm thuộc về ai?

Bỏ qua những góp ý, phản biện có trách nhiệm và cơ sở khoa học của giới am tường lĩnh vực giao thông đô thị, những chiếc buýt nhanh BRT Hà Nội đã bị “ép” phải lăn bánh trên đường. Hệ quả nhãn tiền là nguồn lực đầu tư lãng phí, “bài toán” giao thông không giải được… Ai phải chịu trách nhiệm về sự thất bại này hay rồi lại “hòa cả làng”?

Nguồn: Vnexpress/Pháp luật Plus