Từ vụ án cưa gỗ khô tại Kon Tum: Cần có chế tài để xử lý hậu giám sát

06/09/2019 15:56

Kinhte&Xahoi "Các cơ quan, đối tượng bị giám sát mà không tôn trọng, không thực hiện kiến nghị của Cơ quan quyền lực, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật"

Giám sát là một trong vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Quốc Hội

Vụ án cưa gỗ khô bị TAND tỉnh Kon Tum kết tội trộm cắp tài sản. Liên quan đến vụ án này, nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, Cơ quan chức năng đang hình sự hóa vụ việc. Bỏi lẽ, hành vi mà các bị cáo gây ra chỉ cần xử lý về mặt hành chính là đủ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Không chỉ  có vấn đề về giám sát mà còn xử lý hậu giám sát"

Mới đây, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã báo cáo về vụ án cưa gỗ khô bị TAND tỉnh Kon Tum kết tội trộm cắp tài sản.

Về vấn đề này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, vụ án có quan điểm khác nhau theo chỉ đạo giải quyết của TAND các cấp. Bản án tuyên các bị cáo phạm tội trộm cắp, dư luận cho rằng các bị cáo không phạm tội, hiện các bị cáo đang kêu oan.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm (tháng 6/2019), VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng xét xử các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản.

Cũng theo ông Trí, sắp tới đây, VKSND Tối cao sẽ xem xét vụ án, các bị cáo có phạm tội trộm cắp tài sản hay không có tội.

Tuy nhiên, ông Trí lập luận thêm: "Hiện nay, loại tội phạm xâm hại đến rừng đặc dụng nói chung và phá rừng nói riêng cần được xử lý nghiêm".

Khi Viện trưởng VKSND Tối cao nói phải cân nhắc giữa pháp luật và yêu cầu chính trị, cũng như việc cần phải xử lý nghiêm đối với 5 đối tượng trong vụ cưa gỗ khô, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lên tiếng: "Nghiêm ở đây là đúng quy định của pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của từng hành vi. Hành vi vi phạm đến đâu xử lý đến đó.

Hành vi của các bị cáo vi phạm pháp luật đã rõ ràng. Nhưng nghiêm không có nghĩa là vụ việc chỉ đáng xử lý hành chính lại chuyển qua xử lý hình sự".

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trả lời PV Phapluatplus.vn

Cần có chế tài để xử lý hậu giám sát?

Liên quan tới vấn đề trên, PV Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Trước tiên tôi đồng tình với phản biện của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội. Vì Quốc hội là Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Còn Ủy ban tư pháp có quyền giám sát, kể cả các Đại biểu Quốc hội cũng có thẩm quyền giám sát. Và nếu các Cơ quan, các đối tượng bị giám sát mà không tôn trọng, không thực hiện kiến nghị của Cơ quan quyền lực, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Qua theo dõi tôi thấy nhiều cơ quan, nhiều đối tượng bị giám sát đã không thực hiện nghiêm túc. Ví dụ việc trả lời chất vấn, cũng như việc giải quyết các kiến nghị của Đại biểu Quốc hội chuyển đến, có trường hợp chỉ trả lời qua loa, hình thức, chiếu lệ.

Tôi muốn nhấn mạnh một ý, đó là tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XIV, có ý kiến chỉ đạo với Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói; "Giám sát là một trong vấn đề cực kỳ quan trọng của  Quốc hội. Không chỉ vấn đề về giám sát mà còn xử lý hậu giám sát"

Với lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư, tôi cho rằng; Cần có chế tài để xử lý đối với các Cơ quan, các đối tượng, nếu không thực hiện đúng việc giám sát của Cơ quan quyền lực Nhà nước".

Việc viện Trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đưa ra lập luận đối với 5 bị cáo trong vụ cưa gỗ khô, không chỉ khiến dư luận bất bình mà ngay cả những người thực thi công lý cũng phải lên tiếng.

Người dân hy vọng đặt niềm tin vào sự giám sát của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban tư pháp của Quốc hội, nhằm tránh oan sai cho công dân, cũng như doanh nghiệp./.

Tóm tắt vụ án : Tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Theo Thông tư liên tịch số 19/2007 (của các cơ quan ban ngành ở Trung ương) thì hành vi này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013.

Dù vậy, hai lần xử sơ thẩm TAND huyện Đăk Hà vẫn kết tội các bị cáo 11-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần hai đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội.

Sau đó, năm bị cáo gửi đơn yêu cầu TAND huyện Đăk Hà (nơi từng kết án oan cho các bị cáo) phải xin lỗi thì tòa này từ chối nhận đơn vì cho rằng đang chờ quyết định giám đốc thẩm. Ngay sau đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu xử năm bị cáo có tội trở lại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus