Túi nilon đang “tàn phá” ngôi nhà chung trái đất như thế nào?

14/06/2019 09:40

Kinhte&Xahoi Sự ra đời của các sản phẩm từ nilon đã mang lại nhiều mặt tích cực cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng túi nilon hàng ngày lại đang âm thầm tàn phá trái đất của chúng ta.

Không sử dụng túi nilon dùng một lần

Sáng 9/6, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra,trôi nổi trên các đại dương.

Gói rau bằng lá chuối thay cho túi nilon.

Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Cùng chung nỗ lực của các nước trên thế giới, Việt Nam đã tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng của rác thải nhựa ngày càng gia tăng, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TheoThủ tướng, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại về rác thải nhựa, từ nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân đến thói quen phổ biến trong sinh hoạt, sử dụng túi nylon. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại, các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa.

Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn... không sử dụng túi nylon,sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần,sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Từng cộng đồng, mỗi gia đình và từng người dân ngay từ bây giờ hãy thực hiện khẩu hiệu “nói không với rác thải nhựa” ngay từ những hành động nhỏ nhất, góp phần bảo vệ môi trường sống cho chúng ta và các thế hệ mai sau.

"Ô nhiễm trắng”do túi nilon gây ra cho môi trường

Nilon là một hợp chất cao phân tử, một loại chất dẻo với những phân tử nặng, siêu dài, hợp thành bởi những thành tố nguyên tử tuần hoàn liên tục. Nilon được phát minh vào năm 1935 bởi nhà khoa học người Mỹ Wallace Hume Carothers – tác giả của hơn 100 bằng sáng chế và 50 tài liệu kỹ thuật được phổ biến trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Carothers đã không được thấy phát minh khoa học của mình góp phần vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại, thậm chí trở thành một sản phẩm thông dụng trong đời sống hằng ngày, khi ông qua đời năm 1937. Năm 1938, DuPont - Giám đốc Sở Hóa học của Công ty Hóa học DuPont (Mỹ) đã đưa nilon vào sản xuất với thành phẩm đầu tiên là chiếc bàn chải đánh răng.

Hai năm sau, vật liệu mới này đã tạo ra một làn sóng đáng kinh ngạc khi những đôi tất da chân bằng nilon được bày bán với lượng tiêu thụ lên tới con số 5 triệu đôi trong một ngày. Cho đến ngày hôm nay, nilon đã làm thay đổi cả thế giới nhờ ưu điểm bền chắc, tiện dụng, chịu được các hiện tượng thời tiết, hay kháng lại các ảnh hưởng của tự nhiên như nấm mốc, côn trùng và giá thành thấp.

Loại vật liệu này nhanh chóng “phủ sóng” trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội. Thế nhưng, không phải cái gì được sản xuất từ nilon cũng tốt. Có những vật dụng được sản xuất từ nilon đã trở thành hiểm họa cho môi trường sống của con người - đó chính là túi nilon.

Theo ước tính của các chuyên gia, cứ 1km vuông đại dương lại có khoảng 17.692 mẩu rác (gồm túi nilon và các phế phẩm từ nhựa). Chỉ tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương trong hơn 40 năm qua lượng túi nilon thải ra đây đã gia tăng tới 100 lần.

Nếu con người xóa sổ loại chất thải này, đại dương sẽ được trả lại sự trong sạch và tươi đẹp. Theo các chuyên gia sinh vật học, túi nilon là thủ phạm gây ra cái chết của rùa biển vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.

Việc sản xuất loại túi này sẽ thải ra môi trường rất nhiều CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Theo ước tính, tiết kiệm 8 chiếc túi nilon có thể đủ năng lượng cho một chiếc xe ô tô chạy trong 1km. Vậy mà cả thế giới lại đang lãng phí tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ để sản xuất túi nilon? Mặc dù đem đến nhiều lợi ích nhưng túi nilon cũng đang đe dọa tính mạnh con người, ở Mỹ, mỗi năm có 25 trẻ sơ sinh qua đời vì bị túi nilon bịt kín gây ngạt thở.
 
Chưa hết, vì sự tiên lợi mà không ít người sử dụng túi nilon để đựng đồ ăn nóng. Họ không hề biết rằng, túi nilon khi gặp nhiệt độ nóng sẽ sinh ra các kim loại nặng như cadimi, chì gây ung thư não, phổi hoặc biến đổi giới tính người sử dụng.

Phải mất từ 500 - 1.000 năm để phân hủy

Các nhà khoa học trên thế giới cho biết, tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đấtsẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh,rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túito, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.

Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.

Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường,thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là“ô nhiễm trắng”. Mặc dù biếtsử dụng túi nilon gây ô nhiễm môi trường và có hại cho sức khỏe, nhưng đó gần như là thói quen không thể vứt bỏ.

Nên dù phải chịu thuế môi trường từ 30.000 – 50.000 đồng/kg nhưng hiện loại túi nilon thông thường bán ở các chợ lại có giá rẻ hơn hẳn so vớitúi ni lông thân thiện, chỉ từ 23.000 - 50.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, họ không quan tâm đến loại túi nào thân thiện với môi trường chỉ biết là loại nào rẻ thì dùng.

Cần thay đổi thói quen ngay hôm nay

Từ đầu năm 2012, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã có hiệu lực,trong đó, có quy định túi nilon là 1 trong 8 loại hàng hóa bị áp thuế nhằm hạn chế sử dụng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu giảm sử dụng túi nilon trong cộng đồng vẫn chưa đạt được.Việc sử dụng túi nilon vẫn phổ biến ở khắp mọi nơi. Việc tái sử dụng túi nilon cũng rất hạn chế, bởi chỉ có một số ít người tận dụng để bảo quản đồ trong gia đình hoặc đựng rác, còn lại phần lớn chỉ dùng 1 lần rồi bỏ đi.
 

Theo một số khảo sát, cho đến nay, thói quen tiêu dùng túi nilon thay đổi không đáng kể trong đa số người dân. Để việc hạn chế sử dụng túi nilon trong thực tiễn cần có những giải pháp như có các chính sách khuyến khích hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại địa phương, xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nilon, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon…

Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự vào cuộc của mỗi người dân, người tiêu dùng, là sự thay đổi thói quen hạn chế sử dụng túi nilon của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sau vụ làm xăng giả của Trịnh Sướng: Quy trình kiểm tra “giúp” che đậy sai phạm?

Hàng trăm cuộc thanh tra đã được tiến hành mỗi năm nhưng không có một dấu hiệu sai phạm nào được nhắc đến trước khi vụ án Trịnh Sướng làm xăng giả bị Công an phanh phui. Phải chăng do thủ tục báo trước trước khi tiến hành kiểm tra đã “giúp” các cơ sở kinh doanh xăng dầu kịp che đậy sai phạm?