Tuyển sinh 2020: Thí sinh ngành Y, Sư phạm phải có điểm xét tuyển tối thiểu 8.0

22/01/2020 21:35

Kinhte&Xahoi Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.

Đó là một trong những quy định của Dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến ngày 22/1. Thời gian lấy góp ý đến hết ngày 20/2/2020.

Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng điểm đầu vào ngành Y, Sư phạm

Theo dự thảo, các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.

Đối với các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của Quy chế. Cụ thể:

- Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

- Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học: Đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền,  Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.

Riêng các ngành, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Khúc xạ nhãn khoa, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 trở lên.

Đối với ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT đối với các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu là 5,0 trở lên.

 - Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tối thiểu là 6,5 trở lên.

Các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 1 năm
 
Với các Đề án tuyển sinh của trường, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và các điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh.

Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng ngoài quy đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.

Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh các hình thức, loại hình đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 10/3 hàng năm và chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. 

Các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển phải xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Trong đó Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội là các bài thi; các môn thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội là môn thi;

Các trường căn cứ hướng dẫn xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo để quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện xét tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng quy định.

Các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì các Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.

Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác hoặc của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới để xét tuyển phải quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của trường.

Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành). Tuy nhiên, không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.

/*Tiêu đề do Phapluatplus.vn đặt lại.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tin tưởng rằng, năm Canh Tý - 2020 nước ta sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa

Trong không khí phấn khởi đón chào năm mới Canh Tý 2020 và chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 22/1 (tức ngày 28 Tết Canh Tý 2020), tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì gặp mặt, chúc Tết các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Theo Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/tuyen-sinh-2020-thi-sinh-nganh-y-su-pham-phai-co-diem-xet-tuyen-toi-thieu-80-d115647.html