Ứng viên 42 tuổi vào 'ghế nóng' Chủ tịch Nghệ An là ai?

25/08/2018 09:40

Kinhte&Xahoi Ông Thái Thanh Quý được Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An đánh giá là cán bộ trẻ, có năng lực nên được bổ nhiệm thẳng lên Chủ tịch UBND tỉnh, không kinh qua chức danh PCT tỉnh như thường lệ.

Trưởng ban Dân vận được đề nghị làm Chủ tịch UBND tỉnh

Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An vừa họp thống nhất giới thiệu ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh vào chức danh Chủ tịch UBND tỉnh thay thế ông Nguyễn Xuân Đường sắp nghỉ hưu.

Ông Thái Thanh Quý sinh ngày 19/04/1976 trưởng thành từ công tác Đoàn và phong trào thanh niên, đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh giai đoạn 09/2003-09/2006. Tháng 10 năm 2010, ông Thái Thanh Quý trên cương vị Bí thư tỉnh đoàn Nghệ An được bầu vào Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVII (Nhiệm kỳ 2010 - 2015).

Ông Thái Thanh Quý được giới thiệu bổ sung giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh

Chỉ hai năm sau, ngày 03/8/2012, ông Quý được điều động đến công tác tại Huyện Nam Đàn, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí Thư Huyện ủy Nam Đàn, nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông Thái Thanh Quý được bầu vào 1 trong số 20 ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cùng được bầu vào ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng dịp này có ông Nguyễn Văn Thắng, SN 1973, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Ngoài ra, còn có ông Đặng Quốc Khánh, SN 1976, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh trao Quyết định Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho ông Thái Thanh Quý vào tháng 9-2016

Đến tháng 10/2016, ông Quý được điều động giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nhưng chỉ đảm nhiệm chức danh này một năm. Ngày 9/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều động, phân công đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ đến nhận công tác tại Ban Dân vận Tỉnh uỷ và giữ chức Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ.

 

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trao quyết định Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy cho ông Thái Thanh Quý vào tháng 9-2017

Lộ trình trên cho thấy từ năm 2016 đến nay ông Thái Thanh Quý phát triển khá nhanh, trừ cương vị Bí thư huyện ủy ông này đảm nhiệm 4 năm còn các cương vị Chánh văn phòng tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy ông đều chỉ đảm nhiệm khoảng một năm cho đến khi được đề nghị bổ nhiệm. So với những ủy viên dự khuyết Trung ương được tạo nguồn và phát triển hiện nay, ông Thái Thanh Quý được đánh giá là phát triển vượt bậc khi được lựa chọn vào vị trí Chủ tịch UBND tỉnh.

Bồi dưỡng cán bộ nguồn tại tỉnh Nghệ An liệu đã thực sự nghiêm túc?

Xung quanh việc ông Thái Thanh Quý từ được bổ nhiệm từ Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy lên Chủ tịch UBND tỉnh có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng đây là quyết định có nhiều bất cập cần được xem xét kỹ lưỡng.

Một cán bộ trong ban lãnh đạo Hội đồng hương tỉnh Nghệ An cho rằng, việc bổ nhiệm ông Quý là hơi vội vàng, chưa thực hiện đúng kết luận của Tổng bí thư Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 7 về công tác cán bộ đối với Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng “…bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với các Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng…”.

Sở dĩ có những ý kiến cho rằng quyết định bổ nhiệm ông Quý trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chưa thực sự hợp lý là vì bản thân ông Quý trưởng thành từ công tác đoàn (nguyên là Bí thư tỉnh Đoàn, nguyên là Bí thư huyện uỷ huyện Nam Đàn, nguyên là Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Nghệ An và hiện tại là Trưởng Ban dân vận tỉnh Nghệ An). Do vậy, ông Thái Thanh Quý chưa từng tham gia điều hành quản lý kinh tế nhà nước ngày nào.

Trong khi đó, Nghệ An là tỉnh  có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ 4 toàn quốc, tình hình kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn thu không đủ bù chi. Năm 2017 thu 12.030 tỷ đồng, chi 22.755 tỷ đồng. Hàng năm, tỉnh Nghệ An đang cần trợ cấp của Trung ương khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Do đó, tỉnh Nghệ An hiện rất cần những lãnh đạo có tư duy đổi mới và giàu kinh nghiệm quản lý kinh tế để lãnh đạo, quản lý và điều hành giúp tỉnh phát triển, có tầm nhìn để kết nối được thế mạnh của toàn tỉnh đồng thời kêu gọi đầu tư của các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới.

Vì vậy, ông Thái Thanh Quý cần có thêm thời gian thử thách theo đúng kết luận của Tổng bí thư Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 7 về công tác cán bộ đối với Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. “Đồng chí Thái Thanh Quý nên đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong một thời gian để tích lũy kinh nghiệm và tự khẳng định mình để được bố trí vào những vị trí cao hơn” – vị cán bộ này kiến nghị.

Cũng liên quan đến sự việc này, một cán bộ xin giấu tên cho biết đã có dấu hiệu bất thường khi lấy ý kiến trong Thường vụ tỉnh ủy? Trong đó, ông Nguyễn Xuân Đường, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy nêu ý kiến về việc lựa chọn người vào vị trí Chủ tịch UBND tỉnh song văn bản gửi từ tháng 5-2018, đến tháng 6 mới được Bí thư tỉnh ủy công bố và tổ chức họp Ban Thường vụ tỉnh ủy nhưng cũng không công bố cụ thể thông tin văn bản của ông Đường nêu những vấn đề gì. Mãi đến ngày 2/7/2018 mới có văn bản số 55 của Ban thường vụ tỉnh ủy gửi Trung ương về sự việc và mãi đến cuối tháng 7/2018 mới có văn bản tiếp theo. Theo thông tin, được biết có cán bộ trong thường vụ đã chất vấn một số vấn đề nhưng cũng chưa được trả lời thỏa đáng.

Việc bổ nhiệm một cán bộ thẳng từ vị trí trưởng Ban Dân vận lên Chủ tịch UBND tỉnh, không kinh qua chức danh Phó Chủ tịch tỉnh như thường lệ cũng là chưa từng có. 

Hơn thế nữa, liên quan tới việc Nghệ An đề xuất một ứng cử viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch UBND tỉnh dù đồng chí này chưa kinh qua quản lý kinh tế, một số ý kiến còn cho rằng, việc đánh giá các ứng viên khác cũng chưa thật toàn diện.

Ví dụ với trường hợp Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An là người được quy hoạch, có năng lực và uy tín tốt, sinh năm 1962 nhưng lại có thông tin cho rằng vì ông Cầu chỉ còn 4 năm công tác, không đủ một nhiệm kỳ (chính xác là thiếu hơn 10 tháng thì đủ một nhiệm kỳ) nên không thể bổ nhiệm. Cách nhìn nhận này có phần hơi cứng nhắc.

Dư luận cho rằng, Nghệ An cần lựa chọn những ứng viên hợp lý hơn hoặc kiến nghị bổ nhiệm cán bộ trung ương có kinh nghiệm và năng lực hơn.

Theo KD&PL

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quảng Xương (Thanh Hóa): Cán bộ lừa dân, chính quyền… bất lực?

Với tư cách là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, đại biểu Hội đồng nhân dân xã và một số chức danh khác, bà Bùi Thị Lan đã lừa nhiều người dân xã Quảng Hải để vay số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, việc làm trên của bà Lan không được lãnh đạo địa phương phát hiện, xử lý kịp thời nên đã để lại hậu quả xấu đối với người dân sau khi vị “cán bộ” này vắng mặt khỏi địa phương từ ngày 25/5/2018…