Uống rượu bia ngày Tết là để vui và an toàn

20/01/2023 15:48

Kinhte&Xahoi Mỗi khi Tết đến, xuân về, số người sử dụng rượi bia và lượng rượu bia tiêu thụ lại tăng đột biến. Bên cạnh niềm vui từ các cuộc nhậu thì vẫn còn nhiều người phớt lờ quy định của pháp luật, điều khiển phương tiện gây tai nạ giao thông, để lại những hậu quả đau lòng cho các nạn nhận, bản thân, gia đình và xã hội.

Tài xế vi phạm nồng độ cồn, gây tai nạn

Ngày 19/1/2023, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) thông tin về việc lái xe “biển xanh” sử dụng nồng độ cồn gây tai nạn nghiêm trọng trên đường Cổ Linh, quận Long Biên (Hà Nội).

Trước đó, khoảng 14h40 ngày 18/1/2023, anh Lê Quang Khải, (SN 1997, trú tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), điều khiển xe ô tô gắn “biển xanh” 29A-025.44 đi trên đường Cổ Linh.

Hiện trường vụ tài xế điều khiển xe biển xanh gây tai nạn trên phố Cổ Linh, Long Biên

Khi xe đến ngang cột đèn TD 40-6, thuộc địa phận phường Long Biên, quận Long Biên, thì xảy ra va chạm giao thông với 2 phương tiện đi cùng chiều gồm 1 xe mô tô BKS: 29H1-303.19, do anh Đào V.B, SN 1995, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chở theo sau là chị Phạm Thị M.T, (SN 1987, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) và xe ô tô BKS: 30H-388.84, do anh Nguyễn H.Q, (SN 1998, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển. Hậu quả vụ tai nạn khiến chị MT bị thương hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang; 3 phương tiện liên quan bị hư hỏng.

Ngay sau khi vụ TNGT xảy ra, Đội CSGT số 5 - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã có mặt tại hiện trường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận Long Biên phân luồng giao thông, bảo vệ hiện trường, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định do anh Lê Quang Khải điều khiển xe “biển xanh” không chú ý quan sát. Đáng chú ý, qua kiểm tra, lái xe này đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,217mg/lít khí thở. Lực lượng chức năng xác định, lái xe Lê Quang Khải đang là nhân viên hợp đồng của một cơ quan Nhà nước... Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào đêm 12/8/2022, nhiều người dân hoảng sợ khi chứng kiến sự việc “xe ô tô điên” biển kiểm soát 30H-75803 bất ngờ lao vào cây xăng 111 đường Láng, (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), khiến nhiều người bị thương nặng, nhiều phương tiện bị hư hỏng.

Sau khi nhận tin báo, Công an phường Thịnh Quang đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an quận Đống Đa nhanh chóng đưa người bị nạn vào bệnh viện cấp cứu, đồng thời phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc.

Bước đầu, cơ quan Công an đã xác định được tài xế điều khiển xe ô tô là Ngô Công Hán (SN 1987, quê quán Bắc Ninh, hiện trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội); Kiểm tra phát hiện người này đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/lít khí thở.

Tại cơ quan Công an, Ngô Công Hán trình bày trước khi gây tai nạn đã ngồi uống bia ở đường Láng, sau đó tự lái xe về. Do không làm chủ được tay lái đã lao thẳng vào cây xăng với tốc độ cao khiến nhiều người bị thương.

Ngày 13/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự tài xế Ngô Công Hán (35 tuổi) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Không chỉ có 2 vụ việc nêu trên, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết, riêng trong mấy ngày cuối năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra 3 vụ tài xế vi phạm nồng độ cồn, điều khiển ô tô đâm vào các phương tiện tham gia giao thông trên phố khiến nhiều người bị thương. Đáng nói, không chỉ có nam tài xế vi phạm nồng độ cồn mà có cả những nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn rồi gây tai nạn.

Điều khiển phương tiện sau khi uống bia, tài xế đã không làm chủ tốc độ, lao xe vào cây xăng khiến nhiều người bị thương

Quy định xử phạt nghiêm khắc

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những vụ việc tài xế vi phạm nồng độ cồn, điều khiển phương tiện gây tai nạn, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Có thể nói rằng uống rượu, bia trong các dịp lễ, Tết là một trong những nét văn hóa cổ truyền của người Việt. Đặc biệt khi Tết đến, xuân về, số người uống rượu và lượng rượu bia tiêu thụ lại tăng đột biến.

Bên cạnh niềm vui từ các cuộc nhậu thì uống rượu quá đà, say xỉn, không làm chủ bản thân đã dẫn đến những vụ việc như: Tai nạn giao thông, xô xát, ngộ độc rượu và nhiều hệ lụy tiêu cực khác, gây nhức nhối trong nhiều năm qua.

Để phòng chống tác hại và những hệ lụy tiêu cực từ việc sử dụng rượu bia, Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 có hiệu lực kể từ 1/1/2020 để tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, mua bán, sử dụng rượu bia ở Việt Nam.

Theo Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia; quản lý việc cung cấp; giảm tác hại của việc sử dụng rượu bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật cũng quy định nghiêm cấm các hành vi: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe…

Tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rượu bia mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Mức phạt tiền từ 6 triệu đến 40 triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô. Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 10 năm tù.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 8 triệu đồng. Hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông, để lại hậu quả nghiêm trọng thì mức hình phạt thấp nhất là 3 năm tù, mức cao nhất có thể tới 10 năm tù theo khoản 2, Điều 260 BLHS.

“Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người vi phạm quy định giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng mà có nồng độ cồn trong khí thở hoặc trong máu thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Người vi phạm sẽ phải chịu mức hình phạt thấp nhất là ba năm tù, nếu làm chết người thì hình phạt có thể tới 15 năm tù và không có cơ hội được hưởng án treo”, luật sư Cường nói.

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

Cần xây dựng văn hoá uống rượu bia

 Cũng theo luật sư Cường, đối với trường hợp thuê xe tự lái mà vi phạm giao thông bị phạt nguội thì người thuê xe sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khoản phạt này. Nếu gây va quệt hư hỏng xe thì phải bồi thường thiệt hại cho người cho thuê, nếu gây tai nạn giao thông thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tế cho thấy, những người thuê xe tự lái là những người thường không quen đường, không quen xe mà trong người lại có hơi men thì rất dễ gây tai nạn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho bản thân và cho xã hội nên những người thuê xe cần thận trọng, đặc biệt là vào dịp Tết.

Ngoài ra, không ít trường hợp sử dụng rượu bia dẫn đến không tỉnh táo, không làm chủ cảm xúc dẫn đến gây mất an ninh trật tự, gây thương tích cho người khác, trong những tình huống này thì người sử dụng rượu bia vi phạm pháp luật vẫn bị xử lý hình sự nếu hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội. Nói cách khác pháp luật hình sự Việt Nam không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng rượu bia, chất kích thích sau đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho người khác.

Việc uống rượu bia có chừng mực, có văn hóa, biết kiểm soát tình hình là đòi hỏi bắt buộc trong xã hội hiện nay. Nhiều người chỉ vì một cuộc vui, vì uống rượu bia vào dịp lễ tết mà gây tai nạn giao thông hoặc gặp tai nạn giao thông dẫn đến bản thân bị tù tội hoặc thương tích, thiệt mạng. Cũng có người uống rượu bia rồi say rượu đánh nhau, gây mất an ninh trật tự nên cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc bị dính vào vòng lao lý...

Tình trạng ép buộc uống rượu bia vẫn còn xảy ra phổ biến, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Dưới góc độ pháp lý thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, người ép người khác uống rượu bia sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu ép rượu bia dẫn đến xô xát, gây mất an ninh trật tự hoặc gây thương tích cho người khác thì còn có thể bị xử lý hình sự.

“Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc sử dụng rượu bia. Cần phải xây dựng văn hóa uống rượu một cách lành mạnh, an toàn, hạn chế những tiêu cực, tác hại từ rượu bia mang lại. Có tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia và các văn bản pháp luật có liên quan thì việc sử dụng rượu bia mới có văn hóa, văn minh, an toàn cho bản thân và cho xã hội”, vị Tiến sỹ luật học kiến nghị.

Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://tuoitrethudo.com.vn/uong-ruou-bia-ngay-tet-la-de-vui-va-an-toan-215951.html