Vắc xin về đến đâu, Hà Nội tiêm ngay cho người dân đến đó

09/09/2021 14:19

Kinhte&Xahoi Hôm nay (9-9), tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số lượng vắc xin được Bộ Y tế cấp về đến đâu, lập tức thành phố phân bổ cho các đơn vị tiêm chủng ngay đến đó cho kịp tiến độ.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại Trung tâm Văn hóa phường Việt Hưng (quận Long Biên).

55% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin Covid-19

 Số liệu về tiến độ tiêm chủng Covid-19 được ngành Y tế Hà Nội cập nhật liên tục trong tuần đầu của tháng 9 này cho thấy, số liều vắc xin được tiêm hằng ngày đã tăng lên rõ rệt, nhất là trong 3 ngày gần đây. Ngày tiêm cao nhất, Hà Nội tiêm được 268.027 mũi, gấp hơn 3,5 lần so với ngày tiêm cao điểm trong tháng 8-2021 (hơn 72.000 mũi).

Tính đến sáng 9-9, Hà Nội đã tiếp nhận thêm 999.600 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm, nâng tổng số vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ lên 4,3 triệu liều. Đến nay, ngành Y tế Thủ đô đã tiêm được 2.888.643 mũi, trong đó có 2.570.866 người đã tiêm mũi 1 và 317.777 người tiêm đủ 2 mũi, tương đương với gần 40% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Nếu tính thêm số liệu từ các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn Hà Nội, đến nay có khoảng 3,7 triệu liều vắc xin được tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vắc xin hiện khoảng 55%.

Để thực hiện thần tốc mục tiêu tới ngày 15-9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho người đủ điều kiện, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã mở thêm nhiều điểm tiêm chủng trên toàn thành phố với 300 dây chuyền tiêm chủng, xét nghiệm được thiết lập mới, nâng tổng số dây chuyền tiêm chủng của Hà Nội lên 1.500. Cùng với đó, có khoảng hơn 3.000 nhân lực y tế hỗ trợ Hà Nội thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm chủng.

"Ngoài việc huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, phát huy tối đa năng lực tiêm chủng, sử dụng các dây chuyền tiêm chủng đã được phân bổ tăng cường và chủ động huy động tối đa các cơ sở y tế trên địa bàn tham gia tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức thêm các điểm lưu động, tổ chức các điểm tiêm đến gần dân nhất có thể, như tại phường, xã, tổ dân phố, khu phố", bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Ngay tại quận Hà Đông, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, toàn quận đã tổ chức 27 điểm tiêm với 41 dây chuyền tiêm có thể đáp ứng từ 9.000-10.000 mũi tiêm/ngày. Nhiều điểm tiêm linh hoạt kéo dài thời gian tiêm chủng trong ngày đến tối để nhiều người dân được tiếp cận vắc xin sớm nhất nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Người dân được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin.

Tương tự, với 13 điểm tiêm chủng lưu động trên địa bàn, quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quy mô lớn. Trong trường hợp có nhiều loại vắc xin phòng Covid-19 khác nhau được triển khai cùng thời điểm, quận cũng căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất để lựa chọn đối tượng tiêm chủng phù hợp.

Trong đợt tiêm vắc xin lần này, quận Đống Đa còn triển khai tiêm cho các đối tượng người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi, phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần. Riêng phụ nữ mang thai trên 13 tuần, sau khi được giải thích nguy cơ, lợi ích, nếu đồng ý tiêm chủng sẽ được chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có thêm chuyên ngành sản khoa.

Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất

Ngay sau khi tiếp nhận gần 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm, ngày 8-9, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch phân bổ về cho 30 quận, huyện, thị xã để tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội. Vắc xin này cũng được sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

Trong 30 quận, huyện, thị xã, Hà Nội phân bổ lượng vắc xin Sinopharm nhiều nhất cho quận Hoàng Mai với gần 147.000 liều, quận Hà Đông gần 104.000 liều, quận Đống Đa gần 86.000 liều, huyện Thanh Trì có 70.000 liều, quận Cầu Giấy có gần 68.000 liều, quận Thanh Xuân gần 64.000 liều, quận Hai Bà Trưng có gần 62.000 liều, quận Bắc Từ Liêm gần 55.000 liều, huyện Hoài Đức có gần 15.000 liều...

Quận Đống Đa triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tiêu chí phân bổ cho các quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc ưu tiên cho các quận, huyện Vùng 1 và theo tỷ lệ người dân cần tiêm chủng theo dân số sau khi đã trừ số vắc xin đã được cấp. Dự kiến, trong chiều nay, sau khi có kết quả kiểm định chất lượng, các quận, huyện: Hoàng Mai, Hoài Đức sẽ triển khai tiêm vắc xin Sinopharm.

Trước Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... cũng đã triển khai tiêm vắc xin Sinopharm cho người dân. Đây cũng là 1 trong 6 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa vắc xin Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương, vắc xin là liệu pháp quan trọng nhất chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả và bền vững. Hiện, các vắc xin được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều bảo đảm an toàn và hiệu quả.

"Riêng vắc xin Sinopharm, đến nay được sử dụng tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực tiễn đấy để bảo đảm cho chúng ta yên tâm sử dụng", ông Nguyễn Anh Trí nói.

Vắc xin Vero Cell được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. WHO khuyến cáo sử dụng 2 liều (0,5ml) vắc xin Sinopharm tiêm bắp; khoảng cách giữa hai liều tiêm là 3-4 tuần. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc xin Vero Cell do Sinopharm sản xuất. 

Vào tháng 5-2021, thành phố Hải Phòng đã tiêm 6.000 liều vắc xin Vero Cell cho công nhân, người lao động... tại khu công nghiệp An Dương, đến nay đạt kết quả tốt. Quá trình triển khai tiêm cho trên 6.000 liều vắc xin Vero Cell chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm; có ghi nhận phản ứng thông thường sau tiêm như sưng đau tại chỗ tiêm, đau mỏi người, tuy nhiên những triệu chứng này sẽ hết trong 1 ngày, không để lại biến chứng.Từ ngày 8-9, Hải Phòng tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm 500.000 liều vắc xin này cho người dân thành phố. 

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, các vắc xin phòng Covid-19 được cấp phép đưa vào sử dụng tại Việt Nam đều đã tiến hành kiểm định theo quy trình nghiêm ngặt. Do đó, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân nên tiêm khi có vắc xin, bởi "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất".

CDC Hà Nội cũng đề nghị, tại các đơn vị triển khai tiêm chủng phải xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh hao phí. Tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vắc xin ở cùng một thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.

 Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. 

 Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1011459/vac-xin-ve-den-dau-ha-noi-tiem-ngay-cho-nguoi-dan-den-do