'Văn hóa không nhúc nhích' khiến xã hội trì trệ

22/05/2019 10:55

Kinhte&Xahoi Văn hóa 'không nhúc nhích' làm cho thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm, tạo sức ỳ sẽ lấn át những hành động và phát biểu tích cực.

Tại buổi lễ phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ máy nhà nước cần xóa bỏ “văn hóa không nhúc nhích” để “nước đến chân mới nhảy”, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi.

Phát biểu công khai như vậy, Thủ tướng đã nói rất “trúng” một bộ phận, thậm chí một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức “không nhúc nhích”, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; không tích cực, chây ỳ, không cần hiệu quả công việc, để "tròn vai", không va chạm.

Không ít lãnh đạo coi “hiền lành, biết nghe lời” là tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng. Ảnh: KT

Cách làm việc “không nhúc nhích” là chỉ “tròn vai”, không làm gì khác, không cần sáng tạo, không nói gì va chạm dù có lúc rất cần thiết phải nói, phải làm. Đó là suy nghĩ càng làm ít càng tốt, càng ít sai phạm, khuyết điểm, nhất là những việc phức tạp hoặc cần đổi mới, thay thế…vv. Bộ phận này có tư duy “làm ít, sai ít”, “không nhúc nhích” thì càng ít lỗi hoặc không có khuyết điểm.

Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bầu bán, đại hội, những người này càng “không nhúc nhích”, "nằm im chờ thời", áp dụng kiểu “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Phong cách “biết rồi, nhưng “mackeno” (mặc kệ nó) được coi là thượng sách.

Văn hóa “không nhúc nhích” làm cho thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm, tạo sức ỳ lấn át những hành động và phát biểu tích cực với mong muốn xây dựng, đổi mới, nhất là đổi mới phong cách, tư duy làm việc, cao hơn nữa là đổi mới thể chế, chính sách lạc hậu.

Thế nhưng, đáng tiếc, lâu nay không ít lãnh đạo đã coi “hiền lành, biết nghe lời” là tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt. Tư duy này có vẻ như không sai, vì đôi khi được đánh tráo khái niệm với "đạo đức trong sáng” mà không đặt tiêu chí hiệu quả công việc lên hàng đầu. Thực tiễn đã chứng minh, không ít sự trì trệ xuất phát từ cách tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm… từ tư duy như vậy!

Không chỉ “không nhúc nhích” hoặc “nhúc nhích chút đỉnh”, một bộ phận cán bộ, công chức còn có tư duy “vỗ về”. Nghĩa là đi tới đâu, phát biểu gì với cấp trên, ngang cấp hoặc cấp dưới … chủ yếu là khen ngợi, “đánh giá cao, “ghi nhận” … hoặc phát biểu chung chung, không va chạm, không mang theo thông điệp nào. Nói một cách khác, phát biểu theo “mẫu” định sẵn mà dân gian thường nói “Chẳng chết ai, hòa cả làng, vui cả tổng”.

Những cán bộ, công chức, viên chức nói và làm như vậy sẽ có kết quả phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cao.

Muốn xây dựng thành công một chính phủ kiến tạo, một bộ máy mang phong cách phục vụ nhân dân, cần phải chọn người thực việc, hiệu quả rõ ràng để bầu cử hoặc bổ nhiệm để thay thế dần những người có tư duy “không nhúc nhích”, những cán bộ chỉ quen với “vỗ về”, "an ủi”./.

Theo VOV/ Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM