Vấn nạn vu khống trên mạng xã hội

13/03/2021 10:05

Kinhte&Xahoi Danh dự và nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của con người, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Hành vi bôi nhọ, vu khống, xúc phạm người khác trên mạng sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự với hình phạt lên đến 7 năm tù.

Mệt mỏi vì bị vu khống

Sau một thời gian dài im lặng, mới đây cha ca sĩ Vân Quang Long đã gửi đơn trình báo lên Công an tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xử lý việc các YouTuber đăng tải clip vu khống, xúc phạm gia đình. Mặc dù ca sĩ Vân Quang Long mất cuối tháng 12/2020 nhưng những thông tin về gia đình anh sau đó liên tục bị xúc phạm vô cớ, con gái anh phải xin mẹ cho nghỉ học. Theo nội dung đơn, gia đình ca sĩ đề nghị cơ quan chức năng điều tra, khởi tố hình sự đối với hành vi làm nhục người khác và vu khống của các YouTuber liên quan.

Không chỉ gia đình ca sĩ Vân Quang Long, rất nhiều người cũng từng là nạn nhân của hành vi lăng mạ, vu khống vô căn cứ trên mạng xã hội. Mới đây, một clip tràn lan trên mạng xã hội với nội dung lộ clip nóng của Ninh Dương Lan Ngọc.

 Ảnh minh họa.

Chỉ những hình ảnh mờ nhạt, chẳng có cơ sở nhưng clip nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ. Ngay sau đó, nữ diễn viên đã lập tức chia sẻ trên fanpage của mình khẳng định: “Người con gái trong đoạn clip đen đang tràn lan trên mạng không phải tôi. Sự việc này thật sự là cú sốc lớn trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của tôi và ảnh hưởng rất lớn danh tiếng của tôi” - Lan Ngọc cho biết.

Trấn Thành cũng từng mệt nhoài vì tin đồn bay lắc. Nhưng thay vì im lặng, anh đã làm tới nơi tới chốn để cho bản thân, gia đình và những người hâm mộ mình một câu trả lời thỏa đáng. Hóa ra cô gái phao tin chỉ để “giỡn” bạn bè, đăng cho vui. Cô gái giỡn nhưng hậu quả mà Trấn Thành nhận thì không hề nhỏ. Chỉ vì tin đồn bay lắc, thời điểm đó Trấn Thành bị khoảng 10 nhãn hàng quảng cáo yêu cầu tường trình.

Anh có một số chương trình, dự án sắp hợp tác nhưng vì thông tin vu khống, họ lo sợ hình ảnh của anh ảnh hưởng đến sản phẩm nên không ký nữa... Một số nghệ sĩ khác như Nhật Kim Anh, Lý Nhã Kỳ… cũng từng là nạn nhân của những chiêu trò vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội. Sự bùng nổ của mạng internet và mạng xã hội với cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay đem đến nhiều lợi ích nhưng cũng không ít hệ lụy đi kèm.

Rất nhiều vụ việc tung thông tin thất thiệt bôi nhọ, nói xấu, vu khống lên mạng nhằm hạ thấp uy tín, danh sự, nhân phẩm của cá nhân tổ chức hoặc nhằm câu like hay thu lợi bất chính, hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng khiến dư luận hoang mang. Khi đã trở thành nạn nhân của những thông tin lan truyền, dù ít hay nhiều, cá nhân, tổ chức bị bôi xấu vẫn là phía chịu thiệt hại. Dù mạng xã hội là “ảo” nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, thông tin đăng tải của mình.

Có thể bị phạt tù

Dưới góc độ pháp luật, theo các chuyên gia luật, danh dự và nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của con người, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 có nêu: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” (Điều 34). Ngoài ra, người tung tin đồn thất thiệt, vu khống người khác trên các trang mạng xã hội có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, về xử phạt hành chính, việc tung những thông tin bôi nhọ, vu khống là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…”.

Theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: Trang thông tin điện tử “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” có thể bị xử phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng (Điểm a, Khoản 3, Điều 99); Tổ chức, DN thiết lập mạng xã hội “Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có thể bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 100); Hành vi lợi dụng mạng xã hội “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (điểm a khoản 1 Điều 101); Hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (điểm g khoản 3 Điều 102). Đây là các mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Trường hợp hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng một cách nghiêm trọng thì tùy tính chất, mức độ hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội vu khống; Tội làm nhục người khác; Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Nếu động cơ mục đích vu khống người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

“Theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật Hình sự về tội vu khống, hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Nếu không xác định được chính xác người viết thông tin bôi nhọ, vu khống mà chỉ xác định được người tung tin thì người tung tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự” - luật sư Đặng Văn Cường thông tin.

"Hành vi vu khống người khác là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý thật bằng các chế tài pháp luật nghiêm minh. Thời gian qua đã có nhiều vụ việc vu khống người khác trên mạng đã bị xử lý, nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để xây dựng một môi trường mạng ổn định, văn minh cần có ý thức và trách nhiệm từ mỗi người dùng mạng xã hội."- Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - luật sư Đặng Văn Cường

 Thái San - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tội ác từ những “con ma” trong tâm trí

Trong thực tiễn thi hành pháp luật, đã xảy ra nhiều vụ án mạng thương tâm do cuồng tín, nhiều vụ hung thủ sát hại chính người thân của mình vì tin vào thần thánh.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/van-nan-vu-khong-tren-mang-xa-hoi-412601.html