Vang mãi bản hùng ca Tháng Tám

19/08/2021 09:46

Kinhte&Xahoi “Sao Tháng Tám” là một trong những bộ phim tái hiện lịch sử hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Với những thước phim chân thật về nạn đói năm 1945, về khối công nông, trí thức vùng lên tổng khởi nghĩa trước tình thế “Nhật Pháp bắn nhau và thời cơ của chúng ta”…, bộ phim được đánh giá đã phản ánh thành công nhất về Cách mạng tháng Tám.

“Sao Tháng Tám” - chân thật đến ám ảnh

Những dòng chữ chạy trên đầu tập phim thay cho phần khái quát bối cảnh tác phẩm: “Năm 1940, phát xít Nhật chiếm đóng các thuộc địa Pháp trên bán đảo Đông Đương, nhân dân Việt Nam bị thêm một tầng áp bức bóc lột nữa.

Năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít thì ở Việt Nam, Việt Minh đã trở thành lực lượng hùng hậu nắm vững thời cơ tự chủ, tự lực, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật.

Trước bối cảnh lịch sử vĩ đại đó, những người làm phim “Sao Tháng Tám” chỉ mong muốn thể hiện một số khía cạnh của tình hình xã hội có liên quan đến các nhân vật trong phim, hoạt động trong một phạm vi nhỏ ở nội, ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 tới tháng 8/1945”.

Một cảnh phim Sao tháng 8.

Với những cảnh đời ai oán, xác xơ vì nạn đói, những dòng người dâng lên như nước lũ tràn đê, bộ phim sản xuất năm 1976 của đạo điễn NSND Trần Đắc đã phản ánh thành công những ngày sôi sục trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy.

Mỗi nhân vật là biểu trưng cho một tầng lớp tham gia kháng chiến từ lôi kéo vận động quần chúng rải truyền đơn, huy động công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp đến trực tiếp liên lạc, chống lại việt gian.

Từ người phụ nữ bụng mang dạ chửa như chị Nhu (NSƯT Thanh Tú) một cán bộ Việt Minh cốt cán, những thanh niên trí thức như Kiên (NS Dũng Nhi), người phụ nữ nông dân như cô Mến (NSƯT Thanh Hiền), đến những cụ già đói rách, cùng cực, những đứa trẻ ngây thơ… đều tham gia cách mạng. Họ kiên cường chống chọi với những tên chỉ điểm như Kiều Trinh (Cố NS Đức Hoàn), gã mật thám cáo già như Công.

Với diễn xuất tài tình của dàn diễn viên trẻ, bộ phim đã khắc họa lại thời khắc căng thẳng trong cuộc đấu trí giữa những nhân vật đưa bộ phim đến tầm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Cùng với đó, những tấm hình về nạn đói của NS Nguyễn An Ninh, cảnh quay ông cụ già thều thào khi bị mang đi: “Tôi chưa chết, đừng chôn tôi” và tiếng đáp trả của hai thanh niên “Đằng nào cụ chả chết, cụ đi sớm cho mát mẻ”… Hay cảnh cháu bé khóc thảm thiết “Các bác ơi! Cứu bà cháu với” đầy bi thương…

Và đó là những công nhân lao động sống cảnh cơ cực trong các hầm lò, nhà máy với đồng lương rẻ mạt, ngày ngày bị đánh đập.

Tội ác của Nhật, Pháp chất cao như núi. Đó là nạn đói năm Ất Dậu, những người đói ăn gầy trơ xương, lởn vởn như những bóng ma đi xin ăn khắp hang cùng ngõ hẻm, lảng vảng ở khu chợ nghèo dưới gốc đa… Đặc biệt, những nhân vật ăn mày ấy được thể hiện bởi chính những người… ăn mày thật bên ngoài.

Nhớ lại kỷ niệm ấy, “anh Kiên” Dũng Nhi (lúc ấy đang là thầy giáo ở ngoài đời) chia sẻ, để có được những cảnh quay chân thực nhất nhằm tái hiện nạn đói năm Ất Dậu, tổ đạo diễn đã đi huy động được khoảng 20 người ăn mày ở khắp Hà Nội để làm diễn viên. Sau đó, mỗi người được đoàn phim trả 5 đồng.

Cũng trong một phân cảnh khác gây ấn tượng không kém là đại cảnh người dân vùng lên giành chính quyền. Tất cả chạy xô ra đường tạo nên một khí thế sục sôi.

Để thực hiện được cảnh quay ấy, ê-kíp làm phim đã phải xin chính quyền thành phố cho huy động hàng nghìn người từ các cơ quan nhà nước, các giáo viên, sinh viên, các anh em văn nghệ sĩ...

Và những ánh mắt biết nói

Dẫu vào phim trong tâm thế của một người “lấn sân” nhưng Dũng Nhi lột tả chân thực hình ảnh của một người thanh niên trí thức đến với cách mạng. Ám ảnh nhất với ông là cảnh Kiên bị thương, nhỏm dậy nhìn người chị gái (kẻ đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào anh), với ánh mắt vừa xa xót, đau đớn cho tình chị em.

Đồng thời là sự căm phẫn bởi người vốn là chị ruột mình, đã theo kẻ thù tàn sát đồng bào, bắt bớ đồng chí của mình… Đôi mắt Kiên nhìn chị trước khi ngã vật xuống giường và ra đi là đôi mắt phải dồn nén nhiều cảm xúc, nhiều thông điệp đau đớn đến tận cùng… Đó là ánh mắt người cha trí thức bất lực nhìn con ra đi. Là ánh mắt đẹp tuyệt vọng của cô Mến trong sự chia ly, mà không thể ở bên anh Kiên phút cuối…

Và không chỉ có ánh nhìn của Kiên, những đôi mắt của các nhân vật trong “Sao Tháng Tám” đều lột tả tinh tế những dữ dội, những cảm xúc đau xót, căm hờn khi ấy. Rồi cái nhìn yêu thương của nữ chiến sĩ Mến với Kiên trong lúc anh bị thương nặng… Đó là đôi mắt Nhu vừa đau đớn tột độ khi nghe tiếng súng Nhật giết chồng, vừa chí khí mạnh mẽ khi giao nhiệm vụ cho đồng đội. Cũng đôi mắt ấy nhưng khi thể hiện cái nhìn của người mẹ lúc từ biệt con trong bệnh viện để trốn ra tiếp tục hoạt động thì lại ngân ngấn, nao nao…

Đó là ánh mắt cương nghị, lời nói quyết tâm của Nhu khi lãnh đạo phong trào ở vùng ven Hà Nội và ở nhà máy điện... Ánh mắt xót xa khi Nhu gặp hai bà cháu đói khổ, vốc gạo rơi dưới gốc đa khô khốc, gió thổi ào ào… Những cảnh phim chân thật đến độ diễn mà như không diễn. Những con người cùng khổ, cùng cực trong cái đói và áp bức đã vượt qua tất cả để vững tin đi theo Cách mạng, vì một ngày mai trẻ con được đi học, không còn bị đói nữa…

Một trong những cảnh phim vô cùng đẹp đẽ là hình ảnh những hạt thóc như những cơn mưa đổ vào thùng khi người dân vùng lên phá kho thóc Nhật. Ánh mắt đẹp, cận cảnh của cô Mến nhìn những hạt gạo trong niềm vui rạng ngời của những người dân đói khổ, bĩ cực…

Nhạc phim là những nốt lặng và sôi sục với không khí Cách mạng khi đó như “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, là tiếng đàn bầu bi thương, thánh thót, u buồn tiễn người dân tha hương chết đói về cõi vĩnh hằng. Là tiếng dàn nhạc dây hòa tấu rộn rằng trong ngày Tổng khởi nghĩa…

Với Thanh Tú, niềm vui nhất về “Sao Tháng Tám” chính là chuyện thi thoảng Thanh Tú lại nhìn thấy mình cầm cờ chạy ở khu Nhà khách Chính phủ, không phải trích đoạn phim mà là tư liệu khi nhắc tới Tổng khởi nghĩa. Bởi lẽ, có nơi khi phát tư liệu về Cách mạng Tháng Tám lại lấy ngay đoạn phim trong “Sao Tháng Tám” bởi tính chân thật của bộ phim.

“Sao Tháng Tám” (Bông Sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần IV năm 1977), nghệ sỹ Thanh Tú cũng được bình chọn diễn viên xuất sắc nhất năm đó… Đến nay, “Sao Tháng Tám” gần như là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt phản ánh thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám và cũng là một trong những bộ phim về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam.

Mặc dù đây là phim điện ảnh màu đầu tiên sau năm 1975 nhưng nhiều năm qua, phim vẫn được chiếu vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, thân thuộc đến nỗi như một phim tài liệu chân thực đến gai người. Và trên các nền tảng trực tuyến, nhiều bạn trẻ xem phim “Sao tháng Tám” với niềm xúc động, tự hào khôn nguôi: “Tôi đã xem đi xem lại phim nhiều lần, nhưng lần nào cũng xót thương. Những cảnh cuối mùa thu cách mạng khiến tôi vừa vui, vừa bùi ngùi tiếc thương những người dân đã chết đói, những chiến sỹ đã ngã xuống trước ngày độc lập”... Tất cả như mạch nguồn Cách mạng chảy mãi trong tim mỗi người dân Việt...
 

Miên Thảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tri ân những chiến sĩ “xung kích tuyến đầu” vì bình yên của tổ quốc và sự an toàn của nhân dân

Ngày 19/08/1945 đi vào lịch sử đánh dấu sự ra đời của lực lượng công an nhân dân, trải qua 76 năm kiên cường xây dựng và trưởng thành, lực lượng công an khẳng định mạnh mẽ vai trò là một trong những mũi xung kích trong mọi mặt trận, bảo vệ bình yên của tổ quốc và sự an toàn của nhân dân.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vang-mai-ban-hung-ca-thang-tam-d163868.html