Vành đai 'chuẩn cao tốc'

24/02/2024 11:23

Kinhte&Xahoi Khu vực TP HCM được quy hoạch bao quanh bởi 3 tuyến vành đai (VĐ), giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù đã được quy hoạch nhiều năm, các tuyến VĐ vẫn còn bề bộn.

Ảnh minh họa.

VĐ2 nằm trọn trong địa phận TP HCM, dài 64km, còn một số đoạn chuẩn bị đầu tư khép kín. VĐ3 đi qua TP và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dài hơn 76km, đang được triển khai với kế hoạch hoàn thành năm 2026.

Đặc biệt, được quy hoạch từ 2011, VĐ 4 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đang được nghiên cứu dài gần 207km, trong đó Long An 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km, TP HCM 17,3km; tổng mức đầu tư ước tính 107.000 tỷ đồng.

VĐ4 đã được Thủ tướng giao các địa phương là cơ quan thẩm quyền triển khai đoạn qua địa bàn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Quá trình nghiên cứu, một phương án khác được tính đến là gộp toàn tuyến làm dự án chung. Cách này thuận lợi là sẽ trình Quốc hội một lần, đồng bộ làm toàn tuyến. Tuy nhiên, VĐ4 mức vốn rất lớn nên khó thu hút nhà đầu tư, trong khi nhiều phần việc các địa phương triển khai thời gian qua sẽ phải dừng.

Do vậy, ngành giao thông 5 địa phương hiện thống nhất đề xuất triển khai dự án theo phương án chia đoạn, tương ứng các địa bàn để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là đồng bộ các dự án thành phần nhằm thống nhất quy mô, kỹ thuật, chiều rộng, thời gian thu hồi vốn... Và chính sách cho tuyến VĐ này cũng hiện đang không đồng bộ, vì riêng TP HCM đang được áp dụng một số chính sách riêng theo Nghị quyết 98, trong khi các tỉnh khác thì chưa.

Nói cách khác, nguy cơ dự án có thể rơi vào tình trạng khúc lớn, khúc nhỏ, không đồng bộ, thiếu chuẩn cao tốc.

Tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo TP HCM nêu quan điểm, VĐ4 cần đầu tư đầy đủ dải dừng khẩn cấp cùng các yêu cầu kỹ thuật liên quan. Khi đạt chuẩn cao tốc, quá trình khai thác tuyến đường sẽ an toàn hơn và tăng hiệu quả đầu tư, tránh như một số dự án chỉ 2 - 4 làn hạn chế, vừa mới hoàn thành đã phải tính đến chuyện mở rộng. Toàn tuyến VĐ4 đi qua 5 địa phương cần đồng bộ về chiều rộng bởi hiện nhiều đoạn chưa thống nhất, có thể ảnh hưởng việc khai thác sau này. “Chúng ta thiếu tiền nhưng có thể cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết để ưu tiên cho VĐ4, đừng vì vấn đề kinh phí mà làm không chuẩn cao tốc dẫn đến bất cập khi khai thác”, lãnh đạo UBND TP HCM nêu ý kiến.

Quan điểm trên nhận được một số ý kiến đồng tình. Ngay tại cuộc họp, một lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá VĐ4 là dự án đặc biệt quan trọng liên kết vùng, thống nhất đề nghị VĐ4 phải đạt chuẩn cao tốc.

Vẫn biết có một số lúc “cái khó bó cái khôn”, như vấn đề tiền chưa dồi dào; nhưng với dự án quan trọng như VĐ4, cần có sự tư vấn tổng thể, thống nhất phương thức đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật... để báo cáo Hội đồng điều phối vùng trước khi trình Quốc hội; để VĐ4 được xây dựng sao cho hợp lý nhất, phát huy hiệu quả tốt nhất, có tầm nhìn phù hợp nhất, tránh trình trạng vừa làm xong đã lại phải mở rộng.

Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/vanh-dai-chuan-cao-toc-d204736.html